Kết quả đạt được

Liên kết website

An toàn sức khỏe tại nơi làm việc
Ngày đăng: 23/09/2013   |  
        


Sức khỏe là vốn quý giá nhất của con người. Hiện nay, nhận thức của thế giới về sức khỏe con người ngày càng được chú trọng. Khoa học công nghệ phát triển, kinh tế dần phục hồi và điều kiện tại nơi làm việc của người lao động cũng thay đổi. Vì vậy, quan tâm đúng mức đến sức khỏe tại nơi làm việc sẽ giúp người lao động tránh được bệnh nghề nghiệp, từ đó đảm bảo hiệu suất lao động, tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội.

 

Bệnh nghề nghiệp là gì?

Bệnh nghề nghiệp là một bệnh đặc trưng của một nghề do yếu tố độc hại trong nghề đó đã tác động thường xuyên, từ từ vào cơ thể người lao động mà gây nên bệnh.

Những trường hợp nhiễm độc cấp tính, bán cấp tính do hơi độc, hoá chất độc gây nên tại nơi làm việc thì coi như tai nạn lao động.
(Trích Thông tư Liên bộ số 08/TT-LB ngày 19/5/1976) 

Bệnh nghề nghiệp ảnh hưởng như thế nào?

Theo Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (International Labour Organization- ILO) Guy Ryder “Cái giá lớn nhất của bệnh nghề nghiệp chính là mạng sống con người. Bệnh nghề nghiệp làm bần cùng hóa người lao động và gia đình họ, ảnh hưởng lớn tới cả cộng đồng khi mất đi những lao động năng suất nhất”.

Phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động

Để phòng bệnh nghề nghiệp cho người lao động, người sử dụng lao động cần:

- Trang bị đầy đủ thiết bị, đồng phục bảo hộ và vệ sinh lao động;

- Tạo điều kiện để người lao động được làm việc trong điều kiện đảm bảo vệ sinh, không có các yếu tố độc hại, nguy hiểm (sử dụng công nghệ mới, vật liệu sản xuất sạch, an toàn) hoặc sử dụng các biện pháp như cách ly nguồn độc hại (che chắn bụi, tiếng ồn, sóng vật lý,...);

- Tổ chức khám sức khỏe cho người lao động khi tuyển dụng để bố trí công việc phù hợp và khám sức khỏe cho người lao động định kỳ để phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp và điều trị kịp thời.

Về phía người lao động cần:

- Nhận thức đầy đủ và đúng đắn về bệnh nghề nghiệp;

- Xây dựng thói quen sử dụng bảo hộ lao động, chủ động phòng bệnh cho chính mình, không chủ quan, lơ là, ngại sử dụng các trang thiết bị bảo hộ lao động.

Hiện nay, có 28 bệnh nghề nghiệp đã được Nhà nước công nhận và được chi trả chế độ bảo hiểm. Nội dung chi tiết được nêu cụ thể trong Thông tư Liên bộ số 08/TT-LB ngày 19/5/1976, Thông tư Liên bộ số 29/TT-LB ngày 25/12/1991, Quyết định số 167/1997/QĐ-BYT ngày 04/02/1997, Quyết định số 27/2006/QĐ-BYT ngày 21/9/2006 và Thông tư số 42/2011/TT-BYT ngày 30/11/2011 của Bộ Y tế.

Danh mục 28 bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm được chia thành 5 nhóm: 

Bệnh nghề nghiệp trong ngành y tế

Ở một số ngành nghề đặc thù như ngành y tế, người lao động phải thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ cho sức khỏe mà do đặc thù của công việc nên không thể loại bỏ hoàn toàn. Trước hết, phải kể đến yếu tố vi sinh vật, những cán bộ y tế tiếp xúc trực tiếp với người bệnh đối mặt với nguy cơ cao lây nhiễm từ người bệnh mà họ phục vụ (như bệnh viêm gan siêu vi, lao, HIV,...). Một số bệnh nghề nghiệp thường gặp trong ngành y tế:

- Bệnh viêm gan siêu vi B: Viêm gan siêu vi B lây truyền qua đường giao hợp, kim chích, truyền máu, mẹ truyền cho con. Viêm gan B cũng lây nhiễm qua các vết da rách, trầy của người chưa mang bệnh, vì thế nguy cơ nhiễm virus viêm gan cao ở những cán bộ y tế làm việc trong phòng xét nghiệm, phẫu thuật viên và các cán bộ y tế khác tiếp xúc với máu bệnh nhân bị nhiễm.

- Rối loạn chức năng hệ thần kinh và hệ tim mạch: Các dụng cụ và thiết bị phát sinh bức xạ ion hóa và siêu âm cũng được sử dụng rộng rãi trong y học hiện đại, dù mang lại nhiều lợi ích nhưng các tác hại sinh học của các thiết bị này có thể ảnh hưởng tới những cán bộ y tế. Cán bộ y tế làm việc với các dụng cụ và thiết bị phát sinh bức xạ ion hóa thường có những rối loạn chức năng hệ thần kinh và hệ tim mạch. 

- Suy giảm thính lực: Tiếng ồn hiếm khi được coi là một yếu tố phổ biến trong các nguy cơ nghề nghiệp của các cán bộ y tế, song, trong một số trường hợp của nha khoa hay phòng xét nghiệm và một số nơi khác, tiếng ồn có thể cao hơn giới hạn cho phép do các máy thở, máy gây mê, bơm tuần hoàn máu nhân tạo, máy xét nghiệm, máy ly tâm,...

- Suy giãn tĩnh mạch chân: Tư thế làm việc cũng là điều quan trọng đối với cán bộ y tế. Mặc dù hầu hết nhiệm vụ của cán bộ y tế được thực hiện ở tư thế ngồi hay đứng, nhưng một số công việc đòi hỏi phải làm trong tư thế bất lợi và khó chịu, đặc biệt một số trường hợp trong nha khoa, nhãn khoa, phẫu thuật (đặc biệt là vi phẫu thuật), thể dục liệu pháp, lý liệu pháp,... công việc đòi hỏi đứng hoặc ngồi trong thời gian dài là một trong những tư thế liên quan đến giãn tĩnh mạch chân và bệnh trĩ. 

- Các bệnh nhiễm độc nghề nghiệp: Tiếp xúc với các chất hóa học (ví dụ như hóa chất xét nghiệm, hóa chất dùng trong phẩu thuật, PCR, chất gây mê,...) cũng ảnh hưởng đến sức khỏe cán bộ y tế. Trong số các chất hóa học, hít phải chất gây mê được coi là ảnh hưởng bất lợi nhất. Những khí này có thể tích lũy trong buồng mổ, buồng tiền phẫu nơi chuẩn bị gây mê và buồng hậu phẫu nơi bệnh nhân thở ra chất gây mê. Tiếp xúc với chất gây mê có thể đưa đến tổn thương chức năng sinh sản của nam và nữ, tổn thương phôi thai, ví dụ như:

+ Hexachloropren (có thể gây quái thai)

+ Formalin (một chất kích thích, gây mẫn cảm và gây ung thư)

+ Ethylen oxid (là chất độc, gây biến đổi gen và gây ung thư)

+ Các chất kháng sinh gây dị ứng và ức chế phản ứng miễn dịch, các vitamin, hormon, nhiều chất dùng trong điều trị ung thư cũng là chất gây biến đổi gen và gây ung thư. 

Ðối với nhiều ngành nghề, có thể đặt ra giải pháp loại trừ nguy cơ, song bản chất của công việc ngành y là rất khó loại trừ nguồn tác hại khi tiếp xúc với người bệnh nên vấn đề phòng ngừa bệnh nghề nghiệp cho các cán bộ y tế là khá phức tạp. Ngoài việc tuân thủ các tiêu chuẩn vệ sinh, các biện pháp thích hợp để kiểm soát mức tiếp xúc với nguồn nguy cơ, cần có nhiều nghiên cứu khoa học hơn nữa mang lại các biện pháp hữu hiệu phòng ngừa bệnh nghề nghiệp trong ngành y tế.   

 

Huy Cường
(Tổng hợp)