Kết quả đạt được

Liên kết website

Thông tư 07/2012/TT-BYT qui định Danh mục vi sinh vật gây bệnh truyền nhiễm theo nhóm nguy cơ và cấp độ an toàn sinh học phù hợp kỹ thuật xét nghiệm
Ngày đăng: 10/10/2012   |  
        
 An toàn sinh học phòng xét nghiệm là thuật ngữ được sử dụng để mô tả những nguyên tắc, kỹ thuật và thực hành cần thiết để ngăn ngừa những phơi nhiễm không mong muốn hoặc làm thất thoát tác nhân gây bệnh và độc tố.


Người làm việc trong phòng xét nghiệm luôn phải đối mặt với nguy cơ bị lây nhiễm tác nhân gây bệnh. Việc không đảm bảo an toàn sinh học trong phòng xét nghiệm không những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nhân viên, bệnh nhân mà còn có nguy cơ lây lan mầm bệnh ra cộng đồng dẫn đến các dịch bệnh truyền  nhiễm.


Để từng bước đảm bảo an toàn sinh học phòng xét nghiệm, Bộ Y tế đã thành lập Ban Tư vấn an toàn sinh học bao gồm các thành viên từ Bộ Y tế và các Bộ liên quan (Quyết định Số 2912/QĐ-BYT ngày 4/8/2006). An toàn sinh học phòng xét nghiệm cũng đã được quy định tại Luật Phòng chống các bệnh truyền nhiễm (số 03/2007/QH12 ngày 21 tháng 11 năm 2007) và Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm về đảm bảo an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm (Nghị định số 92/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 08 năm 2010).


Theo Nghị định số 92/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 08 năm 2010, vi sinh vật có nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm cho người được chia thành 4 nhóm: nhóm 1 là nhóm chưa hoặc ít có nguy cơ lây nhiễm cho cá thể và cộng đồng; nhóm 2 là nhóm có nguy cơ lây nhiễm cho cá thể ở mức độ trung bình nhưng nguy cơ cho cộng đồng ở mức độ thấp; nhóm 3 là nhóm có nguy cơ lây nhiễm cho cá thể cao nhưng nguy cơ cho cộng đồng ở mức độ trung bình; nhóm 4 là nhóm có nguy cơ lây nhiễm cho cá thể và cộng đồng ở mức độ cao. Theo đó, phòng xét nghiệm cũng được phân loại theo 4 cấp độ, từ cấp I đến cấp IV. Nghị định cũng quy định, khi xảy ra sự cố an toàn sinh học, cơ sở có phòng xét nghiệm phải khẩn trương huy động nhân lực, trang thiết bị để xử lý. Đối với sự cố an toàn sinh học ở mức độ nghiêm trọng, phải báo cáo sự cố và các biện pháp đã áp dụng để xử lý, khắc phục với Sở Y tế. Trường hợp vượt quá khả năng của mình, Sở Y tế tỉnh phải báo cáo Ủy ban Nhân dân  tỉnh để huy động nguồn lực tại địa phương hoặc đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ việc xử lý và khắc phục sự cố an toàn sinh học.

 

 

Hình: Phòng xét nghiệm an toàn sinh học điển hình (cấp độ I).

(hình do CUH2A cung cấp, Princeton, NJ, USA).

 

Nhằm tăng cường công tác đảm bảo an toàn sinh học tại các phòng xét nghiệm, ngày 14 tháng 05 năm 2012, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 07/2012/TT-BYT nêu rõ danh mục vi sinh vật gây bệnh truyền nhiễm theo nhóm nguy cơ và cấp độ an toàn sinh học phù hợp kỹ thuật xét nghiệm. Theo đó, Thông tư quy định cụ thể từng kỹ thuật xét nghiệm phù hợp cho từng loại vi sinh vật thuộc các nhóm nguy theo từng cấp độ an toàn sinh học tại các phòng xét nghiệm.

 

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 08 năm 2012.

 

Yến Minh.