Kết quả đạt được

Liên kết website

Những điều cần biết về Polyp mũi xoang
Ngày đăng: 02/12/2019   |  
        

 

Ở Việt Nam, với khí hậu nhiệt đới có độ ẩm cao, nóng và môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, bệnh về mũi - xoang ngày càng gia tăng và polyp mũi ngày càng nhiều. Tỷ lệ mắc polyp mũi tăng lên theo tuổi và cao nhất ở tuổi từ 40-60, liên quan phổ biến nhất với viêm mũi xoang mạn tính.

Polyp mũi là những khối mềm, không đau, ở bên trong mũi. Chúng thường xuất hiện ở những xoang phía trên dẫn lưu về mũi (nơi mắt, mũi và xương gò má gặp nhau). Thậm chí bạn có thể không biết mình có polyp mũi do chúng thiếu thần kinh cảm giác.

Polyp mũi tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng diễn biến kéo dài dai dẳng, tác động nhiều tới chức năng thở của người bệnh, làm cho bệnh nhân mệt mỏi ảnh hưởng tới sinh hoạt cũng như khả năng lao động và học tập của người bệnh. Đồng thời làm giảm chức năng ngửi ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh. 

 
Hình 1. Hình ảnh polyp mũi (Nguồn: sưu tầm)

1. Nguyên nhân tạo thành polyp

Mặc dù, trên thế giới đã có rất nhiều giả thuyết nghiên cứu về nguyên nhân của polyp mũi nhưng hầu hết các tác giả đều thống nhất rằng polyp mũi là kết quả của sự viêm nhiễm phù nề kéo dài dẫn đến hiện tượng thoái hóa đa ổ của niêm mạc mũi xoang.

Cụ thể, polyp mũi phát triển từ mô viêm của niêm mạc mũi. Niêm mạc là một lớp bảo vệ bên trong mũi và các xoang cũng như làm ẩm không khí hít vào. Khi bị kích thích do viêm hoặc dị ứng, niêm mạc mũi trở nên sưng, đỏ, có thể gây sổ mũi; nếu bị kích thích kéo dài có thể hình thành polyp mũi.

Mặc dù một số người có thể phát triển polyp mũi mà không có vấn đề nào về mũi trước đó nhưng thông thường các tác nhân gây polyp mũi gồm:

- Viêm xoang mạn tính hoặc tái phát;

- Hen suyễn;

- Viêm mũi dị ứng;

- Bệnh xơ nang;

- Hội chứng Churg-Strauss (viêm mạch u hạt dị ứng);

- Nhạy cảm với các thuốc kháng viêm phi steroid (NSAIDs), là một đáp ứng giống như dị ứng  với các thuốc kháng viêm như ibuprofen hoặc aspirin.

Bệnh cũng có thể có khuynh hướng di truyền do các gen gây ra đáp ứng của niêm mạc mũi với các tác nhân gây viêm.

2. Triệu chứng

Polyp có thể phát triển lớn đủ làm tắc nghẽn mũi, gây ra nghẹt mũi kéo dài. Các triệu chứng có thể bao gồm:

- Nghẹt mũi;

- Chảy nước mũi;

- Chảy nước mũi sau, khi quá nhiều đờm chảy xuống thành sau họng;

- Cảm giác về mùi giảm;

- Thở bằng miệng;

- Cảm thấy tăng áp lực ở trán hoặc mặt;

- Ngừng thở khi ngủ;

- Ngáy.

Người bạn có thể bị đau đầu nếu viêm xoang đi kèm với polyp mũi. 

 
Hình 2. Polyp mũi gây tắc nghẽn mũi (Nguồn: www.health.harvard.edu)

 3. Chẩn đoán

Polyp mũi có thể được nhìn thấy qua soi mũi thông thường. Nhưng nếu polyp nằm sâu trong xoang, bác sĩ có thể cần tiến hành nội soi mũi. Đây là thủ thuật đưa một ống nhỏ, mềm, có gắn đèn và camera ở đầu vào bên trong mũi.

Chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ có thể cần để xác định chính xác kích thước và vị trí của polyp cũng như phát hiện các dị tật cấu trúc hoặc ung thư.

Test dị ứng có thể giúp bác sĩ xác định yếu tố gây viêm mũi kéo dài.

Nếu polyp mũi gặp ở trẻ nhỏ, các xét nghiệm những bệnh lý về gen, ví dụ như bệnh xơ nang, có thể cần thiết.

4. Cách điều trị

4.1. Thuốc

Các thuốc chống viêm có thể làm giảm kích thước polyp và giảm các triệu chứng của tắc nghẽn:

- Thuốc xịt mũi corticoid có thể làm giảm sổ mũi và cảm giác tắc nghẽn do làm polyp co lại. Tuy nhiên, nếu ngừng sử dụng, những triệu chứng sẽ trở lại nhanh chóng.

- Thuốc corticoid đường uống hoặc đường tiêm có thể được lựa chọn nếu thuốc xịt mũi không hiệu quả, nhưng đây không phải là một giải pháp lâu dài do những tác dụng phụ mà corticoid gây ra như ứ dịch, tăng huyết áp và tăng nhãn áp.

- Thuốc kháng histamin hoặc thuốc kháng sinh cũng có thể điều trị viêm xoang hoặc viêm mũi dị ứng.

4.2. Phẫu thuật

Nếu những triệu chứng vẫn không được cải thiện, phẫu thuật có thể cắt bỏ polyp hoàn toàn, loại phẫu thuật được lựa chọn tùy thuộc vào kích thước polyp.

Cắt polyp là một phẫu thuật ngoại trú, được tiến hành bằng một thiết bị hút nhỏ hoặc dùng một microdebrider để cắt và lấy bỏ mô mềm. Với những polyp lớn hơn, bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật nội soi xoang, bằng một ống soi mềm, nhỏ có gắn camera và một dụng cụ nhỏ ở đầu. Bác sĩ sẽ đưa ống soi vào mũi, tìm polyp và các cấu trúc khác rồi cắt bỏ chúng.

Sau phẫu thuật, xịt mũi và rửa mũi bằng nước muối sinh lý để phòng ngừa polyp phát triển trở lại. Nhìn chung, giảm viêm bằng thuốc xịt mũi, các thuốc chống dị ứng và rửa mũi bằng nước muối sinh lý có thể phòng ngừa polyp phát triển.

 
 Hình 3. Bác sĩ thực hiện phẫu thuật nội soi xoang (Nguồn: sưu tầm)

5. Biến chứng

Bệnh nhân bị polyp mũi lâu dài gây tình trạng hốc mũi bị giãn rộng, polyp lòi ra cửa mũi trước, thòng vào cửa mũi sau, phá hỏng xương hốc mũi làm xương hốc mũi mỏng đi, lấy tay ấn vào có hiện tượng lõm, khi bỏ tay ra thành xương lại bật lên, hốc mũi bị thay đổi hình dáng làm cho mũi không còn chiều cao bình thường. 

 
Hình 4. Tình trạng bệnh nhân có polyp lớn lòi ra cửa mũi trước
 (Nguồn: sưu tầm)

Các biến chứng đặc trưng như viêm xoang cấp, mạn tính, ngưng thở hoặc khó thở khi ngủ, thậm chí là biến đổi cấu trúc mặt gây song thị (nhìn đôi), 2 mắt xa nhau bất thường.

Ngoài ra trong điều trị polyp mũi, đặc biệt là phẫu thuật có thể gây chảy máu mũi, nhiễm trùng mũi. Tiếp tục điều trị bằng corticoid dạng xịt hoặc dạng uống có thể làm giảm sức chống đỡ với viêm xoang.

6. Phòng ngừa

Có thể giúp giảm nguy cơ phát triển hoặc tái phát polyp mũi bằng các chiến lược sau:

-  Kiểm soát dị ứng và hen: Làm theo khuyến cáo điều trị của bác sĩ để kiểm soát hen phế quản và dị ứng, nếu các triệu chứng không được kiểm soát tốt, hãy trình bày với bác sĩ về việc thay đổi kế hoạch điều trị.

-  Tránh các chất kích thích mũi: Tránh hít thở các chất có trong không khí có khả năng gây viêm hoặc kích ứng mũi và xoang như chất gây dị ứng, khói thuốc lá, khói hóa học, bụi…

-  Thực hiện vệ sinh tốt: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Đây là một trong những cách tốt nhất để bảo vệ chống lại nhiễm trùng do vi khuẩn và virus có thể gây viêm mũi và xoang.

-  Làm ẩm không khí trong nhà: Sử dụng máy làm ẩm nếu không khí trong nhà có xu hướng khô, điều này có thể giúp làm ẩm đường thở, cải thiện dẫn lưu chất nhầy từ xoang và giúp ngăn ngừa nghẹt tắc mũi và viêm mũi xoang.

-  Làm sạch mũi: Rửa mũi bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch rửa mũi chuyên dụng hàng ngày giúp thuận lợi cho dẫn lưu chất nhầy và loại bỏ các chất gây dị ứng và các chất kích thích khác ra khỏi mũi xoang.

Bích Phượng (tổng hợp).


Tập tin Tiếng Việt:

Các tin khác