Kết quả đạt được

Liên kết website

Phát hiện sớm rối loạn phổ tự kỷ
Ngày đăng: 11/12/2017   |  
        
  

Tự kỷ còn gọi là rối loạn phổ tự kỷ, là một chứng không còn hiếm gặp ở xã hội hiện nay, đây là một trong những khiếm khuyết thần kinh, thường xuất hiện vào những năm tháng đầu đời và kéo dài mãi về sau, gây tác động suốt đời cho người mắc, ảnh hưởng đến cách giao tiếp và tương tác với những người xung quanh và với môi trường. Người mắc chứng tự kỷ thường chậm phát triển và khó khăn về thiết lập các mối quan hệ xã hội, kỹ năng giao tiếp và có hành vi, sở thích, hoạt động mang tính hạn hẹp, lặp đi lặp lại.

Chứng tự kỷ ở trẻ là một gánh nặng rất lớn cho gia đình, khiến gia đình trẻ nuôi dạy rất vất vả và căng thẳng. Trẻ mắc chứng tự kỷ cần gia đình có chế độ chăm sóc đặc biệt và đúng cách, với một tần suất liên tục, phải hy sinh gần như trọn thời gian của gia đình.Việc trông nom trẻ tự kỷ có thể dẫn đến sự chán nản, thất vọng, thậm chí gây mâu thuẫn và tan vỡ gia đình; bên cạnh đó, sự chăm sóc quá mức cho trẻ tự kỷ có thể gây ra sự phân biệt giữa các trẻ trong cùng gia đình; đồng thời, những hành vi của trẻ có thể tiêm nhiễm qua việc học hỏi của các trẻ khác. Vì vậy, gia đình có trẻ tự kỷ cần một kế hoạch thật tốt, một phương pháp hoặc cách thức đúng đắn để điều trị, đồng thời tăng cường tiếp cận và giúp trẻ cảm nhận thế giới quan, cũng như tiếp cận hành vi để trẻ tự kỷ thành thạo các kỹ năng.

Để thực hiện được điều này, đòi hỏi gia đình và xã hội phải có hiểu biết về chứng tự kỷ ở trẻ, cũng như những biểu hiện của chứng tự kỷ để phát hiện thật sớm. Việc phát hiện sớm là tiền đề và điều kiện tiên quyết đảm bảo sự thành công của giáo dục hoà nhập cho trẻ tự kỷ sau này, đồng thời, can thiệp sớm trẻ tự kỉ lứa tuổi mầm non sẽ quyết định liệu trẻ có thể phát huy hết tiềm năng hay trẻ cần hỗ trợ của giáo dục đặc biệt suốt đời.

Những dấu hiệu báo động đỏ và bảng các dấu hiệu tầm soát rối loạn phổ tự kỷ cho trẻ 16 – 30 tháng tuổi:

Đây là hai công cụ hữu ích để tầm soát dấu hiệu rối loạn phổ tự kỷ, thực hiện ở trẻ chậm nói, kém tập trung hoặc khi cha mẹ nghi ngờ trẻ có dấu hiệu tự kỷ.

-    Dấu hiệu báo động đỏ

Theo Hội Tâm thần học Hoa Kỳ (American Psychiatric Association - APA) nếu trẻ có 1/4 trong những dấu hiệu dưới đây, gia đình của trẻ cần chú ý theo dõi và đưa trẻ đến cơ sở chuyên khoa để kiểm tra:

+ Trẻ không bập bẹ và chỉ ngón trỏ hoặc không có những cử chỉ, hành động như vẫy tay, vỗ tay trước 12 tháng tuổi;

+ Trẻ không chia sẻ sự quan tâm đồ vật với người khác;

+ Trẻ không nói từ đơn trước 16 tháng tuổi hoặc không nói từ đôi trước 24 tháng;

+ Trẻ mất ngôn ngữ và kỹ năng xã hội.

-    Bảng tầm soát dấu hiệu rối loạn phổ tự kỷ cho trẻ 16 - 30 tháng tuổi

Theo Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (American Academy of Pediatrics - AAP), việc tầm soát rối loạn phổ tự kỷ được thực hiện thông qua 23 câu hỏi trong bảng tầm soát, áp dụng cho trẻ từ 16 đến 30 tháng tuổi. Kết hợp với sự quan sát trong quá trình chăm sóc trẻ, cha mẹ của trẻ thực hiện việc tầm soát hành vi của trẻ bằng cách đánh dấu vào ô trong cột nguy hiểm (có hoặc không). Sau khi hoàn thành bảng tầm soát nếu kết quả có tối thiểu 2 dấu hiệu ở câu in đậm hoặc tối thiểu 3 dấu hiệu trong tổng số các câu đều là nguy hiểm, cha mẹ cần lưu ý và đưa trẻ đến cơ sở chuyên khoa gần nhất để kiểm tra.

Bên cạnh những dấu hiệu báo động đỏ và bảng các dấu hiệu tầm soát rối loạn phổ tự kỷ cho trẻ 16 – 30 tháng tuổi, phát hiện sớm rối loạn phổ tự kỷ thông qua việc khảo sát các lĩnh vực phát triển của trẻ theo thời điểm chủng ngừa, tầm soát, xác định sự quan tâm của gia đình trẻ, tìm hiểu bệnh sử đầy đủ và khám thể chất, khám chuyên khoa cho trẻ là vô cùng cần thiết, từ đó tiếp tục can thiệp đa ngành hoặc can thiệp giáo dục đặc biệt  để  trẻ có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Sự quan tâm, chia sẻ và hiểu biết đầy đủ về chứng tự kỷ của gia đình và xã hội sẽ góp phần giúp cho những gia đình có trẻ nhỏ được trang bị những kiến thức, kinh nghiệm về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tự kỷ. Qua đó góp phần giúp cộng đồng phát hiện sớm và điều trị cho trẻ có chứng tự kỷ. Cũng qua đó, khơi gợi và kêu gọi gia đình và xã hội chung tay hỗ trợ, khuyến khích, quan tâm đến trẻ,… sẽ tạo cuộc sống tích cực hơn cho cộng đồng người tự kỷ.

Tại TP.HCM, câu lạc bộ “Sống cùng tự kỷ” là một địa điểm sinh hoạt uy tín cho cộng đồng người tự kỷ, đặt tại địa chỉ 40A Yên Đỗ, Phường 1, Quận Bình Tân, TP.HCM, (website: http://www.songcungtuky.org). Mục tiêu hoạt động của câu lạc bộ này là hướng tới tạo dựng một cộng đồng cho người tự kỷ mà ở đó, mọi người đều được tôn trọng, sống hoà nhập và có cơ hội tiếp cận các nguồn trợ giúp để sống độc lập.

 Đức Giang

(Tổng hợp, theo báo cáo của BS. Hoàng Vũ Quỳnh Trang – Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1)