Kết quả đạt được

Liên kết website

Bệnh dại và cách phòng chống
Ngày đăng: 25/09/2013   |  
        

 

Bệnh dại được đánh giá là bệnh truyền nhiễm gây chết người kinh sợ nhất của loài người. Chính vì vậy, bệnh dại được tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào hạng thứ 12 trong các bệnh truyền nhiễm gây tử vong.

Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus dại (thuộc họ Rhabdoviridae, giống Lyssavirus) gây ra, tác động vào hệ thần kinh, gây rối loạn thần kinh trung ương. Đây là bệnh của động vật, chủ yếu là chó (90%), mèo nuôi (5%) và động vật hoang dã.

Virus dại lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn hay vết cào trên da. Chỉ cần một lượng nhỏ dịch của những động vật chứa virus dại dây vào vết xước trên da thì có tới 90% nạn nhân mắc dại. Bệnh không lây truyền qua con đường tiếp xúc thông thường giữa người với người. Khi bị phơi nhiễm virus dại, chỉ có phương pháp tiêm phòng đúng cách và kịp thời mới mong cứu sống được người bệnh. Cho đến nay, bệnh dại vẫn chưa có thuốc chữa trị đặc hiệu khi bệnh đã bộc phát.

Biểu hiện bệnh tiến triển qua 3 thời kỳ:

* Thời kỳ ủ bệnh: thời kỳ này tương ứng với sự di chuyển và nhân lên của virus. Thời gian ủ bệnh dài hay ngắn tùy thuộc vào khoảng cách từ vị trí vết cắn đến thần kinh trung ương xa hay gần , vết cắn càng gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn .

Thời gian ủ bệnh trung bình là 30-90 ngày ( 80% trường hợp), có những trường hợp nhanh là dưới 20 ngày ( 5-10% trường hợp ) hoặc chậm hơn là 3 tháng (7-20% trường hợp), thậm chí kéo dài hơn cả năm ( 1,8% trường hợp ). Thời gian ủ bệnh ngắn nhất là các trường hợp được tìm thấy khi vết cắn ở đầu, mặt, tay và đặc biệt là đối với trẻ em.

* Thời kỳ khởi phát: Từ 2-4 ngày trước khi phát bệnh, bệnh nhân thấy đau nhức nơi vết cắn, vết cắn bị  sưng tấy. Những dấu hiệu này lan rộng dọc theo hệ thống thần kinh và hệ thống bạch huyết .Đồng thời, người bệnh còn có các triệu chứng  : bồn chồn, thổn thức, la hét chán nản vô cớ .

* Thời kỳ toàn phát: Có 3 thể lâm sàng:

1. Thể co thắt:

- Đây là thể thường gặp nhất. Đặc điểm của thể này  là co cứng, co thắt, co giật, run các cơ kể cả cơ mặt. Co thắt hô hấp và co thắt thanh quản khiến bệnh nhân khó thở là biểu hiện tổn thương hành tủy và là triệu chứng đặc trưng của bệnh.

- Sợ nước: bệnh nhân thường rất khát nhưng khi uống nước họ bị co thắt lồng ngực, bị run cầm cập. Trạng thái này qua mau nhưng để lại ấn tượng  kéo dài cho bệnh nhân, vì vậy họ không muốn uống nước mặc dù rất khát. Từ đó dẫn đến chỉ cần nhìn thấy 1 ly nước hoặc nghe tiếng nước chảy cũng sợ.

- Sợ ánh sáng: được mô tả tương tự như biểu hiện sợ nước.

 Tính cách bệnh nhân không bình  thường. Bệnh nhân bị phấn khích quá độ khi bị kích thích. Không phát hiện thấy dấu hiệu mất tri thức.

- Những cơn co thắt đầu tiên còn xa nhau, càng ngày càng  dày hơn và người bệnh  thường tử vong sau 3- 4 ngày do ngất hoặc ngạt trong một cơn co thắt sợ nước hoặc sau một cơn hôn mê.

2. Thể liệt:

    - Thể này hiếm hơn, kém điển hình hơn, không có dấu hiệu phấn khích quá độ. Bệnh xuất hiện rất nhanh sau giai đoạn co thắt, run. Liệt có thể tiên phát và bắt đầu ở 1 chi hoặc 2 chi dưới rồi lan lên trên (hội chứng Landry) hoặc xuống dưới. Người bệnh thường bị  tử vong do ngạt nước hoặc ngất vào ngày thứ 4. Diễn tiến bệnh thường không quá 4 -10 ngày.

3. Thể cuồng:

- Bệnh nhân bị kích thích quá độ, có những phản ứng dữ tợn, trở nên hung bạo. Vì vậy bệnh nhân thường có những hành vi không bình thường như chống lại y, bác sĩ và những người quanh mình. Thể trạng suy sụp nhanh, hôn mê, ngất và chết.

Bệnh dại là một bệnh nguy hiểm nhưng có thể chủ động phòng tránh được nếu thực hiện đúng những hướng dẫn sau:

Trách nhiệm của người nuôi chó:

- Hạn chế nuôi chó, nếu nuôi phải xích, nhốt hoặc mang dọ mõm, không để chó chạy rông, tiêm phòng dại cho chó.

- Diệt nguồn lây: Khi phát hiện xúc vật bị dại phải giết tất cả chó, mèo. Khi chó, mèo có biểu hiện lạ và nghi ngờ bị dại phải cách ly theo dõi trong vòng 15 ngày. Không mổ xúc vật ốm để ăn thịt. Xác xúc vật phải được chôn cẩn thận, chuồng phải được tẩy uế.

Khi bị súc vật cắn cần:

- Rửa ngay vết thương với xà phòng và nước sạch dù chưa biết là động vật có bị dại hay không. Động tác này vừa làm trôi bớt phần virus dại xung quanh vết thương, vừa có tác dụng rửa bỏ phần lớn virus trong vết thương.

- Lau khô vết thương rồi rửa lại lần nữa bằng oxy già. Sát trùng vết cắn bằng cồn iodine và băng lại. Virus dại dễ bị bất hoạt bởi xà phòng và cồn iodine nên cần làm điều này càng sớm càng tốt. Biện pháp này sẽ giúp tiêu diệt bớt một phần virus dại ở bề mặt.

- Cuối cùng, cần đưa ngay nạn nhân đến một cơ sở y tế gần nhất để được xử trí chuyên khoa, tiêm vaccine và kháng thể dự phòng.  Khác với vaccine phòng dại, kháng thể phòng dại có tác dụng ngay sau khi tiêm. Chúng làm bất hoạt và tiêu diệt virus tại nơi cắn trước khi virus xâm nhập vào hệ thần kinh, làm giảm số lượng virus dại trong vết cắn và lân cận vết cắn, nhất là với những vết cắn sâu, rộng, giập nát.

Vaccine và kháng thể phòng bệnh dại là hai chất duy nhất có công hiệu phòng chống bệnh này. Khi tiêm vaccine cần lưu ý tiêm sớm ngay sau khi tiếp xúc với virus dại, tiêm đủ liều, tiêm đúng thời gian quy định, trong thời gian tiêm không làm việc quá sức, không dùng chất kích thích, không sử dụng các thuốc gây giảm miễn dịch, phụ nữ khi mang thai cần có sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa.

 

 

Bảo Trân.
(Tổng hợp)