Kết quả đạt được

Liên kết website

Các nguy cơ và cách phòng ngừa ung thư đại – trực tràng
Ngày đăng: 19/11/2014   |  
        

 

Bệnh ung thư hiện nay thật sự đã trở thành gánh nặng cho toàn xã hội. Tại Việt Nam, ung thư đại – trực tràng là một trong những loại ung thư rất thường gặp, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tử vong. Vì vậy, phòng ngừa ung thư là phương cách tốt nhất so với việc cố gắng tìm kiếm các cách điều trị bệnh một khi nó đã xảy ra. Việc xác định các yếu tố nguy cơ là rất quan trọng để từ đó có biện pháp phòng ngừa tích cực hơn.

1.    Yếu tố nguy cơ của ung thư đại – trực tràng

Nếu loại trừ yếu tố nguy cơ có tính di truyền, phần lớn ung thư đại – trực tràng do nguyên nhân từ thói quen sinh hoạt và cách ăn uống. Có nhiều yếu tố nguy cơ mà chúng ta có thể phòng tránh được như:

·         Các loại thịt đỏ (thịt bò, thịt cừu) được xem là có liên quan mật thiết đến ung thư đại – trực tràng. Ăn khoảng 160g/ngày hoặc chế độ ăn với thịt quá 5 lần/tuần có nguy cơ cao gấp 3 lần. Dưới hình thức chiên, nướng, thịt xông khói, dăm bông, xúc xích, chất đạm sẽ làm tăng yếu tố sinh ung thư, còn mỡ sẽ bị chuyển hóa bởi vi khuẩn trong lòng ruột thành chất sinh ung thư, từ đó, làm tăng sản các tế bào biểu mô bất thường trong lòng ruột và dẫn đến quá trình phát triển thành ung thư;

·      Ăn nhiều thịt, mỡ, đạm, ít chất xơ dễ dẫn đến béo phì và có nguy cơ gây ung thư đại – trực tràng;

·      Sử dụng các loại nước uống chứa cồn trên 15g/ngày làm tăng nguy cơ ung thư đại – trực tràng;

·         Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ rất quan trọng gây ung thư đại – trực tràng cho cả hai giới, nhất là khi kết hợp với rượu bia;

·         Béo phì làm tăng nguy cơ ung thư đại – trực tràng cho cả nam giới và nữ giới, nhưng rõ nét hơn ở nam giới.

Tuy nhiên, cũng có yếu tố không thể kiểm soát được như tuổi tác. Hơn một nửa bệnh ung thư xảy ra ở những người lớn tuổi.

 

Hình: Chế độ ăn nhiều thịt đỏ sẽ làm tăng nguy cơ ung thư đại – trực tràng

2.    Làm thế nào để phát hiện sớm ung thư đại – trực tràng?

Ung thư đại – trực tràng muốn phát hiện sớm cần dựa vào những triệu chứng thường gặp và việc tầm soát ung thư.

-        Những triệu chứng thường gặp:

·         Xuất huyết tiêu hóa dưới;

·         Thay đổi thói quen đường ruột;

·         Đau bụng, sụt cân, chán ăn, mệt mỏi và đặc biệt là tắc ruột.

Tùy theo vị trí của khối bướu xảy ra ở phần nào của đại - trực tràng mà có những triệu chứng riêng:

·         Ở đại tràng phải: Bệnh nhân thường có triệu chứng tiêu chảy, kèm theo táo bón;

·         Ở đại tràng trái: Triệu chứng nổi bật là tắc ruột;

·         Ở trực tràng: Tiêu ra máu tươi và mót rặn là hai triệu chứng nổi bật.

-       Tầm soát ung thư đại – trực tràng:

Việc tầm soát (rà tìm, sàng lọc) nhằm phát hiện sớm bệnh lý ung thư khi chưa có những triệu chứng lâm sàng, hay khi bệnh lý còn ở thời kỳ tiền ung thư. Mục tiêu chính của việc tầm soát là làm giảm tỉ lệ mắc bệnh và đem lại nhiều cơ hội trị khỏi cho người bệnh.

Thông thường, việc tầm soát ung thư sẽ tập trung trên một số loại bệnh có những đặc điểm như:

·        Loại bệnh ung thư có tỉ lệ mắc bệnh và tỉ lệ tử vong đáng kể;

·        Những bệnh có tỉ lệ mắc bệnh toàn bộ ở trạng thái tiền lâm sàng mà có khả năng phát hiện cao qua việc tầm soát (như trường hợp polyp đại – trực tràng có thời gian từ 10 – 15 năm);

·        Bệnh có khả năng điều trị hiệu quả và cải thiện đáng kể về kết quả sống còn;

·        Tầm soát phải dựa trên những phương tiện có sẵn, với độ nhạy và độ đặc hiệu cao, chi phí thấp.

Theo số liệu ghi nhận về ung thư trên thế giới năm 2008, ung thư đại – trực tràng là loại ung thư đứng hàng thứ 3. Riêng tại nước ta, đây là loại ung thư đứng hàng thứ 4 ở cả hai giới, tỉ lệ tử vong vì ung thư đại – trực tràng đã giảm liên tục từ những thập niên 1980 đến nay. Điều này là nhờ những tiến bộ của các phương tiện tầm soát, chẩn đoán, phát hiện sớm những polyp ở đại – trực tràng và được cắt bỏ trước khi chuyển thành ung thư; cũng từ những phương tiện này mà các thầy thuốc cũng chẩn đoán được bệnh ở giai đoạn sớm hơn góp phần điều trị khỏi bệnh, mang lại những kết quả vô cùng ngoạn mục, cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh một cách rõ rệt.

Ung thư đại – trực tràng là một trong những loại ung thư thường gặp, kết quả điều trị xấu và tốn kém khi bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn muộn hoặc đã có di căn. Việc tầm soát ung thư đại – trực tràng nhằm phát hiện những tổn thương như tiền ung thư, hay bệnh ở giai đoạn sớm sẽ mang đến cho người bệnh nhiều cơ hội chiến thắng với ung thư.

3.    Phòng ngừa ung thư đại – trực tràng như thế nào?

·         Không dùng quá nhiều thịt, chất béo có nguồn gốc từ động vât;

·         Bổ sung thật đầy đủ chất xơ từ lúa mạch, trái cây, rau tươi,… chính những chất này làm loãng chất sinh ung thư trong phân, làm giảm thời gian ứ đọng phân trong lòng ruột, đồng thời sinh ra những vi khuẩn có lợi cho đường ruột;

·         Bổ sung các vitamin E, C và A. Uống thêm calcium;

·         Hoạt động thể lực, vận động hay luyện tập thể dục sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư đại – trực tràng, trên cơ sở là ngăn ngừa béo phì và cũng làm giảm thời gian ứ đọng phân trong lòng đại tràng.

Trong chúng ta, ai cũng biết rằng hầu hết bệnh ung thư có một quá trình phát triển lâu dài, sự phát sinh bệnh còn tùy thuộc vào tính nhạy cảm và sự phơi nhiễm với các yếu tố nguy cơ trong suốt cuộc sống của mỗi người. Có những người không biết chắc chắn rằng cái gì cần tránh và cái gì phải cẩn trọng khi dùng. Do đó, việc giáo dục cho mọi người về những yếu tố nguy cơ là cần thiết để phòng ngừa và đồng thời để chiến thắng với bệnh tật.

Khoa TTĐT

(Trích nguồn T4G Tp. HCM)