Kết quả đạt được

Liên kết website

Các bệnh thường gặp của dân văn phòng và cách phòng tránh
Ngày đăng: 26/09/2016   |  
        

Khoảng những năm 80 trở về trước, nguyên nhân gây nên các bệnh nghề nghiệp thường xuất phát từ lao động chân tay do người lao động phải làm việc ở các xí nghiệp, nhà máy, hầm mỏ. Môi trường làm việc này dễ gây nên các bệnh về tai mũi họng, tim, phổi, xương khớp….Với nhịp sống phát triển ngày nay, con người làm việc chủ yếu ở các văn phòng sạch sẽ, công việc thực hiện chủ yếu qua các thiết bị hiện đại như máy tính, điện thoại…tưởng chừng như vô hại nhưng thực chất lại gây ra các bệnh nguy hiểm tiềm ẩn mà ít ai lường trước được.

Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn biết được các bênh thường gặp ở dân văn phòng và cách phòng tránh hiệu quả nhất.

 

Các bệnh thường gặp của dân văn phòng

Đau cột sống: Một số biểu hiện rõ rệt nhất với những người ngồi lâu một chỗ là triệu chứng đau lưng, nhức mỏi xương khớp. Nếu ngồi lâu mà không đứng dậy đi lại, vận động bạn có thể bị chùn cột sống dẫn đến nguy cơ thoái hóa cột sống khi có tuổi. Ngoài ra, cùng với việc hạn chế tiếp xúc ánh nắng mặt trời lâu dần sẽ làm cho xương trở nên giòn, xốp và đẩy nhanh quá trình loãng xương kèm theo một số bệnh như thoát vị đĩa đệm, gai cột sống và thoái hóa đốt sống cổ.

Stress: Đó là hậu quả của một quá trình căng thẳng thần kinh mạn tính, có thể do áp lực và cường độ làm việc cao. Stress có thể gây ra các bệnh khác như rối loạn giấc ngủ, nhồi máu cơ tim, đái tháo đường, xơ vữa động mạch, viêm loét dạ dày, tăng huyết áp hay triệu chứng đau nửa đầu. Vì vậy, khi làm việc bạn nên tránh để trí óc bị căng thẳng, những triệu chứng ban đầu của căng thẳng thần kinh cũng khiến cơ thể bạn khó tập trung như đau giật giật, thậm chí hoa mắt chóng mặt và xây xẩm.

Các bệnh về mắt: Mỏi mắt và khô mắt là 2 triệu chứng dễ nhận thấy nhất khi phải làm việc nhiều với màn hình máy tính. Nếu làm việc nhiều giờ với máy tính mà không cho mắt thư giãn sẽ khiến bạn bị đau đầu, có cảm giác nôn nao rất khó chịu. Đặc biệt bạn hay phải mở to mắt hơn bình thường khi nhìn vào màn hình máy tính, do vậy, để tránh khô mắt bạn nên chớp mắt thường xuyên sẽ giúp mắt không bị mỏi và khô. Bên cạnh đó, bạn nên chọn một chỗ ngồi gần cửa sổ có không khí và ánh sáng tự nhiên sẽ có lợi cho sức khỏe của bạn.

Đau xương cổ tay: Nguyên nhân chính của bệnh này là do chúng ta sử dụng chuột máy tính. Do các dây thần kinh bị chèn ép, nên nhiều người cảm thấy đau, tê ngón trỏ và ngón giữa, cảm giác ngón cái yếu đi, đau ở cổ tay và lòng bàn tay. Những người dễ gặp chứng bệnh này là nhà văn, thư ký, biên tập viên, kế toán,... nhưng tỷ lệ mắc ở phụ nữ cao hơn nam giới. Chứng bệnh này không nguy hiểm đến tính mạng nhưng về lâu dài có thể tàn tật do tổn thương các dây thần kinh và mạch máu. Cách phòng bệnh này là dành ra 5 phút trong giờ làm việc để nghỉ ngơi, vận động xoay, xoắn cổ tay từ 6 đến 12 lần.

Các bệnh về đường tiêu hóa: Áp lực công việc nhiều, thiếu ngủ (không ngủ trưa hoặc thức đêm làm việc), ăn uống không điều độ, có khi ăn nhiều, khi ăn ít và đôi khi phải ăn nhanh,… là nguyên nhân gây nên bệnh đau dạ dày mạn tính. Ngoài ra, nhiều khi đi tiếp khách, tiệc tùng vào buổi tối bạn lại ăn uống quá nhiều chất đạm và không thể bỏ qua rượu bia, nếu nhẹ có thể gây rối loạn tiêu hóa, còn về lâu dài khiến bạn mắc một số bệnh nguy hiểm như béo phì, đái tháo đường và bệnh gout. Để phòng chống các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, bạn cần xây dựng cho mình một thời gian biểu thích hợp cho công việc hằng ngày và hạn chế uống rượu bia, tiệc tùng vào ban đêm.

Nhiễm khuẩn: Làm việc trong môi trường có điều hòa không khí có thể không tốt với một số người, đặc biệt là phụ nữ và người có hệ miễn dịch kém (virus cúm lây lan rất nhanh trong môi trường không thoáng khí). Ngoài ra, trong văn phòng làm việc, chúng ta hãy quan tâm nhiều hơn đến bàn phím và chuột máy tính. Chúng chứa rất nhiều vi khuẩn, cứ một centimet vuông có đến 500 loại vi khuẩn và nhiều gấp 150 lần so với nhà vệ sinh. Lời khuyên tốt nhất là bạn nên thường xuyên vệ sinh chuột và bàn phím máy tính kể cả bàn phím điện thoại của bạn.

Béo phì: Đây là vấn đền nan giải của các chị em làm việc văn phòng. Ngồi nhiều một chỗ và ít vận động khiến cho vòng hai tăng lên đáng kể, tích tụ dần lượng axit uric trong cơ thể. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác như ăn uống không điều độ, thiếu ngủ, căng thẳng dẫn tới trầm cảm cũng có thể khiến bạn mắc căn bệnh này. Các chuyên gia cảnh báo béo phì là nguyên nhân khởi nguồn của nhiều căn bệnh nguy hiểm như tim mạch, tang huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường,… Vì vậy, bạn cần có một lối sống lành mạnh và phương pháp làm việc phù hợp để tránh các nguy cơ bệnh tật.

Nhằm sớm phát hiện và phòng tránh những bệnh mà dân văn phòng hay gặp phải, cách tốt nhất là bạn nêm khám sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng/lần, có lối sống lành mạnh và đừng quên dành ra 30 phút giữa giờ làm việc mỗi ngày để tập những bài tập vận động tại chỗ giành cho nhân viên văn phòng nhé.

Một số động tác dưỡng sinh tại chỗ: Do BS. CKI. Phan Quốc Hưng – Khoa nội tổng hợp – Châm cứu và Dưỡng sinh viện Y dược học Dân tộc TP.HCM hướng dẫn thực hiện:

-        Phép thở bụng:

Tác dụng: phép thở này tác động vào vùng cơ hoành giúp vận động nội tạng bên trong vùng bụng, giúp điều chỉnh quá trình hung phấn và ức chế hệ thần kinh.

Chuẩn bị: ngồi sát ra mép ghế, thẳng lưng, hai tay để trên gối hoặc xếp dưới rốn, mắt nhắm hờ…Hít vào và thở ra đều qua mũi.

Bước 1: hít vào bụng phình tự nhiên theo nguyên tắc sâu – dài – đều – êm.

Bước 2: tiếp tục hít vào, nhíu nhẹ hậu môn.

Bước 3: thở ra, bụng trở về bình thường, mở nhẹ hậu môn.

Bước 4: nghỉ, chấm dứt một chu kỳ (thực hiện phép thở trên theo chu kỳ 12, 24 hoặc 36 lần).

-        Động tác gập cổ:

Tác dụng: động tác này tác động lên vùng đốt sống cổ, dọc theo hai bên cột sống giúp giảm đau căng, nhức vùng cổ gáy khi ngồi làm việc lâu.

Chuẩn bị: ngồi sát ra mép ghế, thẳng lưng, thẳng cổ

Bước 1: gập cúi cổ xuống, hít vào như hình 1

Bước 2: tiếp tục gập cúi cổ xuống tạo lực căng vùng đốt sống cổ và dọc theo cột sống.

Bước 3: tiếp tục hít vào, nhíu nhẹ hậu môn.

Bước 4: trả cổ về tư thế thẳng, thở ra, nhẹ nhàng, buông lỏng, mở nhẹ hậu môn. Nghỉ, chấm dứt một chu kỳ. (Thực hiện các động tác gập cổ tử 6 đến 12 lần, sáng 1 đợt/chiều 1 đợt).

 

Hình 1: Các bước gập cổ

-        Động tác xoắn tay:

Tác dụng: động tác này tác dụng lên phần gân cơ, khớp cánh tay, bàn tay, giúp giảm đâu, giảm mỏi ở tay, vùng vai…

Chuẩn bị: ngồi sát ra mép ghế, thẳng lưng. Đưa hai tay ra phía trước, ngang ngực, nắm tréo tay như hình 2

Bước 1: cuộn tay vào ngực từ từ xoắn tay ra phía trước, hít vào

Bước 2: trả ngược về tư thế bước 1 sau đó xoắn và giơ hai tay lên đầu, thở ra

(thực hiện động tác xoắn tay từ 6 đến 12 lần)

 

Hình 2: Các bước xoắn tay

-        Động tác vặn cột sống:

Tác dụng: động tác này tác dụng lên toàn bộ thần kinh cột sống từ cổ đến thắt lưng, vùng eo, hông, giúp giảm đau mỏi vùng lưng do ngồi nhiều, phòng trị các bệnh về cột sống, giúp dẫn truyền thần kinh đến các tạng phủ được tốt hơn.

Chuẩn bị: ngồi sát ra mép ghế, thẳng lưng, hai tay để lên gối.

Bước 1: vặn xoắn cột sống qua trái, hai tay xoay theo áp vào đùi, đầu, cổ giữ ngược chiều với chiều vặn người. Mắt nhìn ra sau lưng. Hít vào như hình 3

Bước 2: vặn trả về vị trí ban đầu, thở ra. Tương tự hai bước trên đối với chiều bên phải.

(Thực hiện động tác vặn người từ 6 đến 12 lần)

 

Hình 3: Các bước vặn cột sống

-        Động tác gập ngửa người

Tác dụng: động tác này tác dụng lên toàn bộ cột sống và các tuyến nội tiết ( tuyến yên, tuyến giáp…), phòng trị các bệnh về nội tạng và cột sống.

Bước 1: ngồi sát ra mép ghế, thẳng lưng, hai tay chống lên thành ghế.

Bước 2: ngửa người ra sau, ngẩng cổ, ưỡn ngực, hít vào như hình 4

Bước 3: nâng mông, tiếp tục hít vào, nhíu nhẹ hậu môn.

Bước 4: gập người xuống phía trước, thở ra nhẹ nhàng, mở nhẹ hậu môn nghỉ, thả lỏng trở về vị trí ban đầu. Chấm dứt chu kỳ. (Thực hiện động tác này từ 6 đến 12 lần)

 

Hình 4: Các bước gập ngửa người

-        Động tác rung toàn thân

Tác dụng: tác động lên hệ thống cơ bắp, tim mạch, sự tuần hoàn lưu thông máu, giúp máu dẫn lưu ngược lên rất mạnh, phòng bệnh viêm tắc tĩnh mạch, sung phù chân, thốn gót, tê nhức.

Bước 1: đứng dang chân rộng tầm vai, gối hơi chùn, tay rũ xuống, ngón tay hướng xuống đất như hình 5

Bước 2: dùng sức nhún gối, bàn chân tạo sự rung động toàn thân, eo.

(Thực hiện động tác rung toàn thần từ 5 đến 10 phút)

 

Hình 5: Các bước rung toàn thân

 

Đài Trần.