Kết quả đạt được

Liên kết website

Phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em
Ngày đăng: 06/12/2017   |  
        
  

“Trẻ em phải được sinh ra trong một sự khởi đầu tốt đẹp nhất, phải được tiếp cận với một nền giáo dục có chất lượng và trẻ vị thành niên phải được phát triển tối đa trong một môi trường an toàn, lành mạnh”.

(Theo Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa họp lần thứ 27 năm 2002).

Theo công bố của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB-XH), trong giai đoạn 2011 - 2015, cả nước phát hiện 8.200 vụ xâm hại trẻ em, với gần 10.000 nạn nhân, tăng 258 nạn nhân so với năm năm trước đó. Số vụ xâm hại tình dục trẻ em chiếm tới 65%, tương đương 5.300 vụ. Tính trung bình, cứ 8 giờ trôi qua lại có một trẻ em Việt Nam bị xâm hại. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng con số này chỉ là những vụ việc được báo cáo, còn rất nhiều vụ nạn nhân bị chính kẻ xâm hại dọa dẫm hoặc vì lý do nào đó đã không được thống kê.

 
Hình 1. Số liệu theo công bố của Bộ Lao Động, Thương binh và Xã hội.

Trên thế giới, theo thống kê của Hiệp hội Quốc gia Phòng chống Bạo hành Trẻ em (NSPCC National Society for the Prevention of Cruelty to Children), độ tuổi trung bình của trẻ em bị xâm hại tình dục là 9 tuổi. Cứ 4 bé gái thì có 1 bé bị xâm hại tình dục, 6 bé trai thì có 1 bé bị xâm hại tình dục. Vấn nạn này có xu hướng gia tăng đối với trẻ em nam. Tại Việt Nam, trước đây trẻ bị xâm hại thường là 13-18 tuổi thì nay xuất hiện nhiều vụ việc ở lứa tuổi 5-13.

 
Hình 2. Thống kê của Hiệp hội Quốc gia Phòng chống Bạo hành Trẻ em.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Quỹ Dân số Liên hợp quốc, 93% thủ phạm có mối quan hệ quen biết với nạn nhân, trong đó 47% kẻ xâm hại là họ hàng, người trong gia đình nạn nhân. Đáng chú ý, sau khi bị xâm hại, nạn nhân thường không dám kể về những gì đã diễn ra. Thủ đoạn phổ biến của các đối tượng là lợi dụng sự tin tưởng hay sức ảnh hưởng của mình hoặc dùng “lòng tốt” (cho quà, bao ăn uống,…) nhằm dụ dỗ, đe dọa để thực hiện hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ.

 
Hình 3. Thống kê của Quỹ Dân số Liên hợp quốc

Các hậu quả trẻ em phải gánh chịu khi bị xâm hại tình dục

Trẻ có thể bị xâm hại tình dục dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó phổ biến là xâm hại bằng cách đụng chạm và không đụng chạm.

Xâm hại tình dục trẻ em bằng cách đụng chạm bộc lộ qua một số hành vi như hôn hít hoặc ôm trẻ theo kiểu tình dục, sờ mó vào bộ phận sinh dục của trẻ, hoặc bắt trẻ sờ mó vào bộ phận sinh dục của người lớn hoặc của một đứa trẻ lớn hơn, ép trẻ thực hiện hành vi mại dâm,…

Xâm hại tình dục trẻ em bằng cách không đụng chạm là những hành vi như dùng lời nói hoặc tranh ảnh khiêu dâm để làm cho trẻ sốc, làm cho trẻ hưng phấn tình dục hoặc làm cho trẻ quen với tình dục, cho trẻ nghe hoặc nhìn những cảnh tình dục, bắt trẻ đứng ngồi theo tư thế gợi dục để chụp ảnh (khiêu dâm), hoặc cho trẻ xem sách báo khiêu dâm,…

Cho dù sử dụng bạo lực, sự đe doạ hay “lòng tốt” để bắt trẻ thực hiện hành vi xâm hại tình dục thì hậu quả của việc xâm hại này đều gây tổn thương cho trẻ ở các mức độ khác nhau. Sự xâm hại tình dục làm tổn thương trẻ vào thời điểm khi hành vi xâm hại diễn ra và có thể tiếp tục gây tổn thương nạn nhân trong suốt quãng đời còn lại, đặc biệt đối với những trẻ không thể kể về sự xâm hại này hoặc không nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ hay trị liệu từ phía gia đình và xã hội.

Về mặt thể chất, trẻ em bị xâm hại tình dục có thể chịu tổn thương thể xác kéo dài do các bệnh như HIV/AIDS, viêm gan, lậu, giang mai và những bệnh lây qua đường tình dục khác. Nếu không được chữa trị có thể gây nên những vấn đề trong tương lai như có thai ngoài ý muốn, ung thư và tử vong do nhiễm trùng nặng. Ngoài ra, trẻ còn có thể chịu những tổn thương thể chất trong quá trình phản kháng hành vi xâm hại tình dục.

Về mặt tâm lý, trẻ em bị xâm hại tình dục thường sẽ cảm thấy tội lỗi, sợ hãi, xấu xa, thất bại, cộc tính,... cho rằng mình là kẻ thất bại và có nguy cơ trở thành tội phạm khi trưởng thành. Đặc biệt, nếu trẻ không được điều trị tâm lý kịp thời sau khi bị xâm hại thì rất dễ bị ám ảnh lâu dài và khi lớn lên có thể trở thành người đi xâm hại tình dục trẻ em khác. Ngoài ra, trẻ bị xâm hại tình dục khi còn nhỏ lớn lên có thể gặp vấn đề về giới tính của mình, nhiều đứa trẻ bị trầm cảm, rối loạn nhân cách,... Điều đáng ngại là không phải lúc nào trẻ bị xâm hại tình dục cũng thể hiện ra bên ngoài những tổn thương về tâm lý, mà đôi khi, cơn sang chấn tâm lý phải sau nhiều năm mới thể hiện ra. Vì thế phụ huynh thường khó phát hiện những bất thường của con em mình.

Hơn thế, trẻ bị xâm hại tình dục có thể tiếp tục bị người khác xâm hại trong suốt quãng đời còn lại. Vì những trải nghiệm bị xâm hại khi còn là một đứa trẻ, chúng có thể lớn lên và tin rằng tình dục là cách duy nhất để thể hiện cảm xúc và sự an toàn. Nghiêm trọng hơn, bị đối xử tồi tệ và bị xâm hại tình dục có thể trở thành hình mẫu trong cuộc sống của chúng.

Phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em

Để tránh những sự việc đau lòng do tội phạm xâm hại tình dục gây nên, cha mẹ cần thường xuyên để mắt, quan tâm, chia sẻ với con em mình để nhận thấy những thay đổi tâm, sinh lý cần thiết. Bên cạnh đó, khả năng nhận thức và tự bảo vệ của trẻ em còn nhiều hạn chế nên các em chính là đối tượng có nguy cơ bị lạm dụng, xâm hại tình dục cao nhất. Vì vậy, cha mẹ cũng cần phải trang bị cho con cái biết cách thức phòng vệ trước những đối tượng có ý định thực hiện hành vi đồi bại.

Để giúp trẻ tránh bị xâm hại tình dục, một trong những quy tắc bố mẹ có thể dạy con là "quy tắc 5 vòng tròn". Quy tắc này được thiết kế cho trẻ từ 5 đến 10 tuổi, được gọi là "Vòng kết nối mối quan hệ (The Circles of Relationships)" – dựa theo nghiên cứu của Marklyn P. Champagne và Leslie W. Walker-Hirsch – là các nhà đồng sáng lập của Chương trình quốc tế CIRCLES® Curriculum. Chiếc vòng thần kỳ này có thể giúp ngăn chặn việc trẻ bị quấy rối tình dục, bị bạo hành và lạm dụng tâm lý chỉ đơn giản bằng cách cung cấp cho trẻ đủ thông tin để trẻ hiểu chuyện gì đang xảy ra và trẻ nên ứng xử như thế nào cho đúng.

 
Hình 4. Vòng kết nối mối quan hệ (Circles of Relationships).

Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em

Từ năm 2004, Việt Nam đã có đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em. “Phím số diệu kỳ - 18001567” là dịch vụ tư vấn và hỗ trợ trẻ em do Cục Bảo vệ, Chăm sóc Trẻ em - Bộ LĐ-TB-XH cung cấp với sự hỗ trợ của tổ chức Plan, là tổ chức phi chính phủ quốc tế phát triển cộng đồng, lấy trẻ em làm trung tâm, có phạm vi hoạt động trên 48 quốc gia. Tuy nhiên, đây là số điện thoại đường dây nóng với nhiều số, khó nhớ, đặc biệt là với trẻ em, nên khó có thể gọi ngay khi xảy ra tình huống khẩn cấp. Do đó, tại Nghị định 56/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em, Chính phủ đã chỉ đạo thành lập tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em do Bộ LĐ-TB-XH quản lý với số điện thoại ngắn là 111, không thu phí viễn thông và phí tư vấn đối với người gọi đến tổng đài, hoạt động 24/24, được nhà nước bảo đảm nguồn lực hoạt động. 

 

Bích Phượng (tổng hợp)