Kết quả đạt được

Liên kết website

Dậy thì sớm: Những điều cần biết
Ngày đăng: 15/01/2019   |  
        
 

Dậy thì là quá trình thay đổi thể chất từ cơ thể trẻ em thành cơ thể người trưởng thành và có khả năng sinh sản. Dậy thì bắt đầu khi vùng dưới đồi tiết ra hóc môn Gn-RH (Gonadotropin Releasing Hormone) kích hoạt tuyến yên sản sinh ra hai hóc môn LH (Luteinizing Hormone) và FSH (Follicular Stimulating Hormone), hai hóc môn này kích hoạt cơ quan sinh sản tiết ra hóc môn sinh dục là estrogen (ở nữ) và testosterone (ở nam).

Dậy thì thường bắt đầu ở trẻ em gái, độ tuổi từ 8 đến 12 với các đặc tính sinh dục thứ phát điển hình như ngực bắt đầu to lên, xuất hiện lông mu, có kinh nguyệt lần đầu; và ở trẻ em traiđộ tuổi từ 9 đến 14 có đặc tính sinh dục thứ phát như tinh hoàn và dương vật phát triển, xuất hiện lông mu, vỡ giọng.

Hình 1. Sơ đồ hoạt động trục dưới đồi – tuyến yên – tuyến sinh dục (ở nữ) 
 
 
Hình 2. Sơ đồ hoạt động trục dưới đồi – tuyến yên – tuyến sinh dục (ở nam) 
 

 Dậy thì sớm

Dậy thì sớm là dấu hiệu dậy thì đầu tiên trước 8 tuổi ở trẻ em gái và trước 9 tuổi ở trẻ em trai, đa phần xảy ra ở trẻ em gái.

Dậy thì sớm có hai dạng:

Ø  Dậy thì sớm trung ương (dậy thì sớm thật sự): phổ biến, do nồng độ GnRH tăng cao từ sự hoạt động quá sớm của trục dưới đồi – tuyến yên – tuyến sinh dục hoặc do một khối u ở não.

Ø  Dậy thì sớm ngoại vi (dậy thì sớm giả): ít gặp, do các hóc môn sinh dục tăng cao do bệnh lý tuyến sinh dục (buồng trứng, tinh hoàn) hay thượng thận.

Ngoài ra, còn có dậy thì sớm không hoàn toàn (dậy thì sớm vô căn) nghĩa là dậy thì đến sớm do các đặc tính sinh dục thứ phát xuất hiện và phát triển đơn độc, 90% không có những lý do đặc biệt và xảy ra chủ yếu ở trẻ em gái. Đây là biến thể của dậy thì bình thường. Nguyên nhân được giả định do: béo phì và căng thẳng do dinh dưỡng không cân đối, yếu tố di truyền, yếu tố môi trường và rối loạn nội tiết.

Hậu quả

Ø  Ảnh hưởng về tâm lý: trẻ dậy thì sớm có những dấu hiệu phát triển sinh lý khác biệt so với những trẻ cùng lứa tuổi, dễ làm cho trẻ có tâm lý ngại ngùng, tự ti.

Ø  Chiều cao hạn chế: dậy thì sớm làm quá trình phát triển xương tăng nhanh, làm cho đầu xương đóng khép sớm, rút ngắn thời kỳ sinh trưởng, từ đó ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ khi trưởng thành.

Ø  Ham muốn tình dục trước tuổi: sự phát triển tâm lý dậy thì quá sớm dẫn đến suy nghĩ nông nổi, khả năng tự khống chế cảm xúc kém nên khó tránh khỏi những cạm bẫy xã hội, từ đó dẫn đến mang thai hoặc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.

Ø  Hội chứng buồng trứng đa nang: chu kỳ kinh nguyệt trước 8 tuổi dễ có nguy cơ rối loạn nội tiết tố gây buồng trứng đa nang.

Chẩn đoán cận lâm sàng

Nếu nghi ngờ trẻ dậy thì sớm, cần đến khám bác sĩ chuyên khoa nội tiết ở trẻ em (nội tiết nhi khoa). Để chẩn đoán xác định cần làm một số chẩn đoán cận lâm sàng:

Ø  Chụp X - quang bàn và cổ tay: để xác định sự phát triển của xương, từ đó biết được quá trình dậy thì ở trẻ.

Ø  Xét nghiệm máu trước và sau tiêm hóc môn Gn-RH:

+ Đối với dậy thì sớm trung tâm: sau tiêm, nồng độ hóc môn LH và FSH tăng.

+ Đối với dậy thì sớm ngoại vi: sau tiêm, nồng độ hóc môn LH và FSH không thay đổi.

Ø  Chụp cộng hưởng từ (MRI): để kiểm tra sự bất thường của não.

Ø  Siêu âm vùng chậu: để kiểm tra u nang buồng trứng...

Các phương pháp điều trị

Tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây dậy thì sớm để lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp:

Ø  Đối với dậy thì sớm trung ương: điều trị bằng tiêm thuốc có chứa Gn-RH. Chất này có tác dụng ức chế việc tiết các hóc môn của tuyến yên làm thúc đẩy quá trình dậy thì. Trường hợp dậy thì sớm do khối u ở não, có thể điều trị bằng phẫu thuật hoặc xạ trị.

Ø  Đối với dậy thì sớm ngoại biên: việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra. Trong một số trường hợp, cần thiết phải phẫu thuật để loại bỏ khối u hay u nang khỏi buồng trứng hay tinh hoàn.

Cách phòng ngừa

Để phòng ngừa nguy cơ dậy thì sớm, cần thực hiện những việc sau:

Ø  Tập thể dục thường xuyên, hơn 30 phút mỗi ngày;

Ø  Nên thường xuyên ngủ sớm và dậy sớm, ngủ nhiều hơn 8 tiếng mỗi ngày;

Ø  Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Tăng cường rau củ quả cho bữa ăn hằng ngày, đảm bảo lượng đạm đầy đủ, không nên ăn thực phẩm chế biến sẵn như đồ hộp, xúc xích, bơ, … , hạn chế ăn nhiều đồ ngọt, đồ chiên rán, chứa nhiều chất béo khiến trẻ thừa dinh dưỡng, dễ bị béo phì. Chú ý lựa chọn thực phẩm an toàn, tránh mua thực phẩm không uy tín, không rõ nguồn gốc và các thực phẩm chứa hóc môn tăng trưởng;

Ø  Không nên dành nhiều thời gian với dụng cụ điện tử như tivi, điện thoại, máy tính, nên tham gia các hoạt động ngoại khoá như du lịch, cắm trại, …;

Ø  Nên dành thời gian phơi nắng vào buổi sáng, ít nhất 30 phút mỗi ngày.

                                                                                                                  Trâm Lê

(Tổng hợp từ tài liệu “Tôi muốn biết về dậy thì sớm!” do Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khoẻ TP.HCM, 2018)