Kết quả đạt được

Liên kết website

Tiểu ra máu: Nguyên nhân và triệu chứng
Ngày đăng: 12/08/2019   |  
        

 

Tiểu ra máu và triệu chứng 

Tiểu ra máu là một tình trạng trong nước tiểu có chứa hồng cầu. Tiểu ra máu có thể nhận biết bằng mắt thường khi nước tiểu màu hồng, màu đỏ hay có những cục máu đông gọi là tiểu máu đại thể, trường hợp phải dùng kính hiển vi mới thấy hồng huyết cầu trong nước tiểu, được gọi là tiểu máu vi thể.

 
Hình 1: Tiểu máu đại thể (cốc trái) và tiểu máu vi thể (cốc phải)

Trong nhiều trường hợp xuất hiện máu trong nước tiểu được xem là bình thường nếu tình trạng này xuất hiện sau khi vận động gắng sức hay trong chu kỳ kinh nguyệt,… nhưng cũng có thể là một triệu chứng của bệnh lý đáng báo động nào đó. Do đó, cần xác định nguyên nhân gây tiểu ra máu vì việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây nên.

Nguyên nhân gây tiểu ra máu 

Trong tiểu ra máu, thận hoặc các bộ phận khác của đường tiết niệu cho phép các tế bào máu rò rỉ vào nước tiểu. Bên cạnh đó, các vấn đề khác có thể gây ra, bao gồm:    

 
Hình 2: Các nguyên nhân gây ra tình trạng tiểu ra máu

·               Nhiễm trùng đường tiết niệu:  Triệu chứng này xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua niệu đạo và di chuyển lên bàng quang. Các dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu bao gồm liên tục buồn tiểu, đau và bỏng rát khi đi tiểu. Đối với một số người, đặc biệt là người lớn tuổi, dấu hiệu duy nhất của bệnh có thể là những giọt máu nhỏ hoà lẫn trong nước tiểu.

·               Sỏi thận, sỏi bàng quang:  Các khoáng chất trong nước tiểu đặc có thể tạo ra các tinh thể bám trên thận hoặc bàng quang. Các tinh thể này rắn, cứng, cọ xát làm tổn thương thận, bàng quang, gây tổn thương, viêm nhiễm, chảy máu nội tạng.

·                Bệnh thận: Xuất huyết khi tiểu tiện là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của viêm cầu thận. Viêm cầu thận có thể là một hệ quả của bệnh mạn tính như suy thận, đái tháo đường.

·               Ung thư: Nhìn thấy nước tiểu có máu có thể là một dấu hiệu của ung thư thận, bàng quang hoặc ung thư tuyến tiền liệt. 

 
Hình 3. Triệu chứng của ung thư tuyến tiền có thể là hiện tượng tiểu ra máu

·               Bệnh truyền nhiễm: Thiếu máu hồng cầu lưỡi liềm – khiếm khuyết di truyền của hemoglobin trong hồng cầu cũng có thể gây ra triệu chứng tiểu ra máu. Do vậy, hội chứng Alport – một rối loạn di truyền gây tổn thương các mạch máu nhỏ trong thận có thể ảnh hưởng đến màng lọc trong cầu thận.

·               Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc chống ung thư có thể gây chảy máu khi đi tiểu. Đôi khi, có máu trong nước tiểu còn xảy ra ở các bệnh nhân dùng thuốc chống đông máu.

·               Tập luyện nặng: Trường hợp này là rất hiếm, tuy nhiên tập thể dục nặng có thể dẫn đến tiểu ra máu dù chưa xác định được nguyên nhân. Có thể liên quan đến chấn thương bàng quang, mất nước, sự phá vỡ các tế bào hồng cầu khi tập luyện quá sức kéo dài.

Xét nghiệm chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh 

Để tìm nguyên nhân tiểu ra máu, cần tiến hành các xét nghiệm sau đây:

·               Xét nghiệm nước tiểu: Phân tích nước tiểu cũng có thể giúp xác định xem có nhiễm trùng đường tiết niệu hay có bài tiết khoáng gây sỏi thận. 

 
Hình 4. Xét nghiệm nước tiểu phát hiện có máu

Xét nghiệm Protein niệu (nước tiểu 24h): nếu > 1,5g/24h thì nguyên nhân tiểu ra máu là do tổn thương nhu mô thận (bệnh cầu thận…), nếu chỉ dạng vết thì nguyên nhân thuộc về “niệu khoa” (tổn thương u thận, đường bài xuất nước tiểu…).

Trụ hồng cầu: nếu có, có thể nghĩ tới tổn thương nhu mô thận (bệnh cầu thận…).

Cấy nước tiểu, nếu dương tính chứng tỏ có tình trạng nhiễm trùng niệu.

·               Siêu âm: Sử dụng sóng âm tần số cao để xem thận và bàng quang. Siêu âm là xét nghiệm có giá trị, không xâm nhập, giá thành thấp, phát hiện được các nguyên nhân gây tiểu ra máu tại thận và bàng quang, xác định được bản chất dịch hay tổ chức đặc của khối u.

·               Chụp cắt lớp (CT scan): Sử dụng bức xạ để tạo hình ảnh mặt cắt của bên trong cơ thể, phân tích các hình ảnh này giúp chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh. Được chỉ định trong các trường hợp tiểu ra máu do khối u (thận, đường bài xuất nước tiểu) để xác định kích thước, cấu trúc, mức độ xâm lấn,…

·               Nội soi bàng quang: Trong phương pháp này, một ống nhỏ trên phía đầu có gắn máy ảnh thu nhỏ được luồn vào bàng quang để kiểm tra toàn bộ hình ảnh bên trong bàng quang và niệu đạo.

 Biện pháp phòng ngừa tiểu ra máu

Biện pháp phòng ngừa tiểu ra máu là uống nhiều nước, khoảng 2 lít mỗi ngày, đi tiểu ngay, không được nhịn tiểu, giữ gìn vệ sinh vùng kín sạch sẽ, đúng cách, không nên ăn quá nhiều muối. Ngoài ra, hãy cẩn trọng khi sử dụng các loại thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau lâu dài, không được hút thuốc lá, thuốc lào, hạn chế tối đa việc tiếp xúc với hóa chất độc hại, hạn chế rượu bia, thư giãn và giảm thiểu sự căng thẳng,... giúp thận khỏe mạnh, cũng như chặn đứng nguy cơ suy thận trong tương lai.

Khi gặp phải tình trạng tiểu ra máu, người bệnh phải đi khám ngay để biết được nguyên nhân gốc rễ gây bệnh và có biện pháp chữa trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm nếu để lâu, bởi hầu hết các bệnh lý có liên quan đến tình trạng này đều tác động rất lớn đến sức khỏe và các chức năng sinh lý.

Tóm lại, tiểu ra máu là triệu chứng của hàng loạt bệnh nguy hiểm, trong đó có cả bệnh ung thư. Vì thế, mọi người không được coi thường biểu hiện này, hãy đi khám càng sớm càng tốt. Hơn nữa, nhiều khi máu trong nước tiểu khó có thể nhìn thấy bằng mắt thường nên cần xét nghiệm, khám sức khỏe định kì để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.

Thiên Chương

  (Tổng hợp)