Kết quả đạt được

Liên kết website

Xoa bóp bấm huyệt – một phương pháp phòng và điều trị bệnh của Đông y
Ngày đăng: 13/03/2012   |  
        

 

Để bảo vệ sức khỏe, phòng bệnh và chữa bệnh, tiến tới sống lâu sống có ích, y học phương Đông bên cạnh các cây con làm thuốc, châm cứu và các phương pháp tập luyện cơ thể còn có phương pháp xoa bóp bấm huyệt.


Xoa bóp bấm huyệt là gì?


Xoa bóp bấm huyệt là một phương pháp phòng bệnh và chữa bệnh với sự chỉ đạo của lý luận y học cổ truyền. Đặc điểm của phương pháp này là dùng bàn tay, ngón tay là chính, tác động lên da, thịt, gân, khớp của người bệnh để đạt mục đích chữa bệnh, phòng bệnh.


 

Xoa bóp bấm huyệt có tác dụng gì?


Xoa bóp bấm huyệt là một kích thích vật lý, trực tiếp tác động vào da thịt, thần kinh, mạch máu và các cơ quan cảm thụ gây nên những thay đổi về thần kinh, thể dịch, nội tiết qua đó nâng cao năng lực hoạt động của hệ thần kinh, nâng cao quá trình dinh dưỡng của cơ thể.


Xoa bóp làm giãn mạch máu, tăng tuần hoàn tại chỗ góp phần chống viêm, giảm phù nề. Luồng máu tới sẽ tăng cường trao đổi chất, mang ôxy tới cho tế bào và mang đi các chất thải cặn bã.


Đối với cơ xương khớp, xoa bóp làm giãn cơ, đặc biệt là những nhóm cơ đã bị co cứng trước đó. Trong các bệnh khớp, gân, dây chằng bao giờ cũng có hiện tượng co cứng các nhóm cơ xung quanh khớp, từ đó gây đau, hạn chế vận động. Xoa bóp có thể cải thiện các tình trạng trên, đồng thời làm tăng tính linh hoạt của khớp và làm giảm khả năng bị chấn thương, cải thiện tư thế.


Ngoài ra, xoa bóp còn kích thích hệ thống lympho, làm tăng miễn dịch và cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể.


Xoa bóp tác động trực tiếp lên các thụ cảm thần kinh dày đặc ở dưới da tạo ra các đáp ứng phản xạ thần kinh từ đó gây nên tác dụng điều hòa quá trình hưng phấn hay ức chế thần kinh trung ương, làm thư giãn thần kinh, giảm căng thẳng, tăng khả năng tập trung, giảm đau, giãn cơ và điều hòa chức năng nội tạng.


Xoa bóp còn có tác dụng tăng cường nhu động của dạ dày, ruột và cải thiện chức năng tiêu hoá, tăng dinh dưỡng của da làm da bóng đẹp, có tác dụng tốt đối với chức năng bảo vệ của da.


Xoa bóp còn có nhiều tác dụng khác góp phần phục hồi sức khỏe.

 


Bệnh nào nên và không nên áp dụng xoa bóp bấm huyệt?


Xoa bóp bấm huyệt có tác dụng rất tốt đối với một số bệnh, tuy nhiên nó lại có chống chỉ định đối với một số bệnh khác.


Chỉ định xoa bóp: Rất nhiều bệnh của các cơ quan: hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, tiết niệu, sinh dục... có thể dùng xoa bóp. Nhiều bệnh mạn tính điều trị có hiệu quả bằng xoa bóp như: thoái hóa cột sống cổ, thoái hóa cột sống lưng, đau quanh khớp vai, liệt vận động do tai biến mạch máu não, mất ngủ kéo dài... Người bị đau đầu, mệt mỏi... cũng dùng phương pháp này để điều trị.


Chống chỉ định với các trường hợp: gãy xương, chấn thương đụng dập cơ và dây chằng, ở khớp; bệnh tim phổi nặng như nhồi máu cơ tim, suy tim, cơn hen ác tính, suy hô hấp.


Không xoa bóp ở vùng lở loét mụn nhọt vì sẽ gây nhiễm khuẩn và lở loét thêm. Khi các cơ quan bị tổn thương thực thể về ngoại khoa, ví dụ: viêm ruột thừa, thủng dạ dày, bệnh truyền nhiễm.

 

Một đợt chữa bệnh và thời gian một lần xoa bóp là bao lâu?


Một đợt chữa bệnh từ 10 đến 15 phút là vừa, để tránh hiện tượng lờn xoa bóp và ghiền xoa bóp

 

 -   Nếu xoa bóp toàn thân: làm từ 45 đến 60 phút cho một lần xoa bóp.


 -   Nếu xoa bóp từng bộ phận: có thể làm từ 10 đến 15 phút cho một lần xoa bóp.


 -   Đối với chứng bệnh cấp tính mỗi ngày có thể làm 1 lần.


 -   Đối với chứng bệnh mạn tính có thể xoa bóp cách ngày hoặc 1 tuần 2 lần.

 

Như vậy, xoa bóp bấm huyệt là phương pháp điều trị không dùng thuốc với sức sống mãnh liệt của phương pháp trị liệu Đông y, có mối quan hệ rất lớn đến sự cân bằng sức khỏe trong mỗi con người đồng thời là xu thế mới trong phòng và trị bệnh hiện nay.

 

 

Hữu Phong

(Tổng hợp)