Kết quả đạt được

Liên kết website

Làm thế nào để phòng ngừa bệnh do virus Ebola?
Ngày đăng: 20/08/2014   |  
        

 

Kể từ khi được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1976 tại khu vực sông Ebola ở Cộng hòa Dân chủ Congo (xưa có tên là Zaire), virus Ebola thường xuyên gây ra những đợt bùng phát dịch với những quy mô khác nhau.

 

Hình: Virus Ebola dưới kính hiển vi điện tử

Không giống các loại virus khác như viêm gan A, B, C,... có thể ở trong cơ thể người nhiễm suốt nhiều năm mà không có bất cứ triệu chứng nào, virus Ebola có khả năng lây truyền từ người sang người, bệnh xuất hiện với triệu chứng bao gồm xuất huyết ở miệng và hậu môn, có thể giết chết nạn nhân chỉ trong vài ngày.

1.    Bệnh do virus Ebola gây ra là gì?

 Bệnh do virus Ebola gây ra là bệnh truyền nhiễm cấp tính nghiêm trọng. Bệnh có tỷ lệ tử vong rất cao (lên đến 90%).

2.    Bệnh lây truyền sang người như thế nào?

·        Virus Ebola lây truyền từ động vật sang người khi tiếp xúc trực tiếp với máu, chất tiết, bộ phận cơ thể của động vật bị nhiễm (tinh tinh, gorilla, khỉ, dơi ăn quả, linh dương và nhím hoặc các động vật trong rừng nhiệt đới);

·        Virus Ebola lây truyền từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với máu, chất tiết (phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch) của người mắc bệnh, thậm chí cả mồ hôi, lây qua các vết xước trên da, niêm mạc của người lành tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm các chất tiết của người bệnh (quần áo, ga trải giường, kim tiêm đã qua sử dụng). Virus Ebola có thể sống trên một bề mặt ít nhất 7 ngày, người bình thường có thể tiếp xúc với mầm bệnh nếu chạm vào giường hay các đồ dùng có chứa dịch từ cơ thể người bệnh. Sau đó, họ có thể đưa virus vào cơ thể khi chạm tay vào thức ăn và ăn.

3.    Ai có nguy cơ cao mắc bệnh này?

·        Công dân Việt Nam đi công tác, lao động, học tập trở về từ vùng có dịch;

·        Công dân của các quốc gia khác có dịch nhập cảnh vào Việt Nam;

·        Người thân, nhân viên y tế chăm sóc, điều trị, tiếp xúc gần với người nhiễm hoặc nghi nhiễm virus Ebola;

·        Người tiếp xúc với động vật chết do nhiễm hoặc nghi nhiễm virus Ebola.

4.    Dấu hiệu mắc bệnh thường gặp là gì?

 Thời gian ủ bệnh là 2 – 21 ngày, bệnh nhân dễ lây truyền bệnh ngay khi bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu bệnh sau:

·        Sốt đột ngột;

·        Mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau đầu, đau họng;

·        Biếng ăn, nôn mửa, tiêu chảy;

·        Phát ban, suy gan, suy thận;

·        Một số trường hợp bị chảy máu trong nội tạng và chảy máu ngoài.

5.    Khi nào cần đi khám bệnh?

·        Khi tiếp xúc với người nhiễm hay nghi ngờ nhiễm virus Ebola;

·        Khi bắt đầu thấy xuất hiện các dấu hiệu của bệnh.

6.    Phương pháp điều trị bệnh là gì?

·        Hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu nhưng nhiều bệnh nhân đã khỏi bệnh sau khi được chăm sóc y tế thích hợp;

·        Bệnh nhân cần được điều trị tích cực, được bù nước với các dung dịch điện giải qua đường uống hay truyền tĩnh mạch;

·        Để kiểm soát sự lây truyền của virus, người mắc bệnh hay nghi mắc bệnh cần được cách ly trong cơ sở y tế, được điều trị và tuân thủ các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn đã khuyến cáo.

7.    Có thể làm gì để phòng ngừa bệnh?

 Hiện chưa có vaccine phòng bệnh do virus Ebola, do vậy cần nâng cao nhận thức về các yếu tố nguy cơ và các biện pháp phòng ngừa chủ động:

Đối với cộng đồng:

·        Tránh mọi tiếp xúc với người mắc bệnh. Nếu tiếp xúc phải sử dụng các phương tiện phòng hộ cá nhân (găng tay, khẩu trang y tế,…), thực hiện đúng quy định khi chăm sóc bệnh nhân để bảo vệ bản thân và gia đình khỏi bị lây nhiễm, tiêu hủy phương tiện phòng hộ cá nhân sau khi sử dụng theo đúng quy định;

·        Giữ vệ sinh cá nhân. Rửa tay với xà phòng hoặc chất sát khuẩn sau khi tiếp xúc với người bệnh, với dịch tiết cơ thể hoặc sờ vào các vật dụng của người bệnh;

·        Tránh tiếp xúc với các động vật có nguy cơ cao nhiễm virus Ebola tại khu vực có rừng nhiệt đới. Không giết mổ động vật nghi ngờ bị nhiễm bệnh;

·        Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ăn chín, uống chín;

·        Những người đi/đến từ các nước đang có dịch bệnh cần chú ý và thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm;

·        Nếu có những dấu hiệu bệnh trong vòng 21 ngày sau khi rời khỏi vùng dịch, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời. Thông báo cho cơ quan y tế địa phương để có biện pháp xử lý tránh lây lan.

Đối với nhân viên y tế:

·        Tuân thủ chặt chẽ các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn, tránh phơi nhiễm với máu, chất tiết, môi trường hoặc vật dụng của người bệnh (quần áo, ga trải giường, kim tiêm đã qua sử dụng);

·        Sử dụng các phương tiện phòng hộ cá nhân (áo choàng, găng tay, khẩu trang y tế, kính bảo hộ) và không sử dụng lại các phương tiện này đã qua sử dụng nếu chưa được khử trùng đúng cách;

·               Cần thay đổi găng tay khi chăm sóc cho từng bệnh nhân nghi nhiễm virus Ebola;

·          Cần cách ly bệnh nhân mắc bệnh do virus Ebola khỏi các bệnh nhân khác và người khỏe mạnh.

Như vậy, các triệu chứng của nhiễm virus Ebola dễ làm cho người bệnh bị nhầm lẫn giống với triệu chứng của các bệnh thông thường như sốt rét, sốt thương hàn, tả, viêm màng não,… do đó người dân cần chú ý theo dõi các thông tin trên báo đài và thực hiện đúng các khuyến cáo của Chính phủ và Bộ Y tế đề ra.

  

Khoa TTĐT 
(Trích nguồn T4G) 

Các tin khác