Kết quả đạt được

Liên kết website

Hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết năm 2016.
Ngày đăng: 24/06/2016   |  
        
  

Theo nhận định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sốt xuất huyết là một trong những bệnh truyền nhiễm có tốc độ gia tăng nhanh nhất trên thế giới, trong đó các nước ASEAN là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của sốt xuất huyết. Căn bệnh này không bị ngăn cách bởi biên giới các quốc gia.

Tại Việt Nam, sốt xuất huyết lưu hành ở hầu hết các tỉnh, thành phía Nam. Trong những năm qua, các ca mắc sốt xuất huyết đã giảm đáng kể, song vẫn còn ở mức cao và có nguy cơ bùng phát thành dịch gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Sốt xuất huyết hiện chưa có vaccine phòng ngừa hay thuốc đặc trị. Bệnh cũng không có triệu chứng rõ rệt, nên người dân thường lầm tưởng sốt xuất huyết với chứng cảm mạo thông thường, không thăm khám và điều trị. Sau 4-10 ngày ủ bệnh, các triệu chứng sốt vừa đến sốt cao, đau đầu, đau hốc mắt, đau cơ, mệt mỏi, nôn ói và khó nuốt... bắt đầu xuất hiện. Khi thấy biểu hiện của bệnh, người dân cần đến trung tâm y tế gần nhất để thăm khám.

 

Hình. Muỗi vằn – trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết

Để phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả cần có sự chung tay của chính quyền các cấp và đặc biệt là ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong cộng đồng trong việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh tại hộ gia đình. Nhằm nâng cao trách nhiệm, vai trò và kêu gọi sự chung tay của cộng đồng cũng như sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước ASEAN trong phòng chống sốt xuất huyết, tại hội nghị Bộ trưởng Bộ Y tế các nước ASEAN lần thứ 10 được tổ chức tại Singapore (tháng 7/2010), WHO, tổ chức ASEAN và đại biểu 10 nước thành viên ASEAN đã quyết định chọn ngày 15/6 hàng năm là “Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết”.  Đây là dịp để các nước ASEAN cùng học tập và chia sẻ kinh nghiệm nhằm hướng tới một cộng đồng ASEAN không có sốt xuất huyết.

Với chủ đề “Cộng đồng chung tay: đẩy lùi sốt xuất huyết, thành công bền vững”, ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết năm 2016 kêu gọi người dân nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi trong việc tự phòng bệnh; chính quyền địa phương các cấp, các ban, ngành đoàn thể và tổ chức chính trị, xã hội cần tăng cường hợp tác và nỗ lực hơn nữa trong việc chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika gây ra. Các chuyên gia y tế khuyến cáo hiện nay diệt lăng quăng là cách đơn giản và hữu hiệu nhất để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika.

Video «Chung tay phòng chống dịch sốt xuất huyết»

 
Quỳnh Như.
(Trích nguồn Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TP.HCM)