Kết quả đạt được

Liên kết website

Đái tháo đường – Căn bệnh của Thế kỷ XXI
Ngày đăng: 06/12/2017   |  
        
  

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO – World Health Organization) và Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế (IDF – International Diabetes Federation), vào năm 2011, trên thế giới có khoảng 366 triệu người bị đái tháo đường, đến năm 2030, sẽ có khoảng 552 triệu người trên thế giới bị đái tháo đường và ba nước có tỉ lệ bệnh đái tháo đường cao nhất thế giới sẽ là Ấn Độ, Trung Quốc và Mỹ.

 
 Hình: Ước tính bệnh đái tháo đường qua các năm của WHO và IDF.

WHO đã lên tiếng cảnh báo, bệnh đái tháo đường thuộc nhóm 10 bệnh mạn tính không lây hàng đầu của thế kỷ XXI và phát động chương trình phòng chống đái tháo đường cùng với các hiệp hội chuyên khoa và các cơ quan chức năng của nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Trong đó, bệnh đái tháo đường type 2 chiếm đa số.

Bệnh đái tháo đường type 2 thường khởi phát âm thầm, không có triệu chứng nên chẩn đoán bệnh bị chậm trễ, vì vậy cần có chương trình tầm soát bệnh ở các đối tượng có nguy cơ. Tuy nhiên, đối với đái tháo đường type 2, nếu ăn uống và luyện tập đúng cách, đôi lúc không cần dùng thuốc.

Như vậy, có thể nói điều trị đái tháo đường gồm 2 phần, điều trị không dùng thuốc và điều trị bằng thuốc. Hai mảng này cần được phối hợp nhuần nhuyễn để mang lại hiệu quả điều trị cao nhất.

Mặc dù bệnh đái tháo đường có tính di truyền, nhưng độ xuất hiện của đặc tính di truyền này không phải là 100%. Một nghiên cứu lớn tại Mỹ và sau đó được lập lại ở Ấn Độ cho thấy người có nguy cơ cao bị đái tháo đường, nếu ăn uống, luyện tập đúng cách và tích cực thì tỉ lệ mắc bệnh đái tháo đường sẽ giảm được khoảng hơn 50%. Hiện nay, đái tháo đường type 2 được xem là một bệnh có thể phòng ngừa được.

Những người có ít nhất một yếu tố sau đây có nguy cơ cao bị đái tháo đường type 2:

- Thừa cân, béo phì, chỉ số BMI ≥ 23 kg/m2;

- Ít vận động thể lực;

- Gia đình trực hệ có người bị đái tháo đường (bố, mẹ, anh chị em ruột);

- Sinh con có cân nặng lúc sinh ≥ 4kg hoặc bị đái tháo đường thai kỳ;

- Tăng huyết áp (huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg hoặc đang điều trị thuốc hạ áp);

- Nồng độ HDL cholesterol 250 mg/dL;

- Có vòng eo lớn: nam 90 ≥ cm, nữ 80 ≥ cm;

- Phụ nữ bị buồng trứng đa nang;

- HbA1c ≥ 5,7%, rối loạn glucose huyết lúc đói hoặc rối loạn dung nạp glucose ở lần xét nghiệm trước đó;

- Có các dấu hiệu đề kháng insulin trên lâm sàng;

- Tiền căn có bệnh mạch vành.

Tóm lại, mặc dù đái tháo đường là gánh nặng bệnh tật đang gia tăng, nhưng nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa bệnh nhân, gia đình, các nhà chuyên môn chăm sóc sức khỏe, xã hội và nhà nước thì chi phí điều trị sẽ giảm rất nhiều và bệnh nhân sẽ có một cuộc sống hoàn toàn bình thường.

Trâm Lê

(Tổng hợp từ Hội Y học Tp. HCM – PGS. TS Nguyễn Thy Khuê – Chủ tịch Hội Đái tháo đường – Nội tiết)