Kết quả đạt được

Liên kết website

Phòng ngừa các bệnh lây nhiễm cho con khi mang thai
Ngày đăng: 16/02/2012   |  
        

 

Thiên chức của người phụ nữ là được làm mẹ. Rất nhiều người phụ nữ đếm thời gian theo từng ngày, từng tháng để đợi đến ngày làm mẹ. Thật hạnh phúc biết bao khi thai nhi chào đời và mẹ tròn con vuông. Có được đứa con phát triển khỏe mạnh và lớn khôn sau này là niềm mơ ước của tất cả các bà mẹ. Để có được điều đó thì trước khi làm mẹ, người phụ nữ phải có những kiến thức về những bệnh lây truyền cho con khi mang thai để tránh lây nhiễm cho con.

 

Những bệnh có thể lây truyền cho con khi mang thai


Viêm gan siêu vi B


Viêm gan siêu vi B có thể lây nhiễm từ mẹ sang con khi mang thai, khi đẻ hoặc trong giai đoạn cho con bú. Trẻ bi lây truyền viêm gan từ mẹ khi sanh ra thường không có triệu chứng hay bệnh nhẹ nên rất khó nhận biết. Đôi khi trẻ khó thở, nôn, có thể có vàng mắt và nước tiểu sẫm màu. Gan lách có thể to ra, có tổn thương và dễ chảy máu. Trường hợp viêm gan nặng có thể gây tử vong.


Để tránh lây cho trẻ trong quá trình mang thai, phụ nữ cần chích ngừa viêm gan siêu vi B (nếu chưa bị nhiễm) trước khi có thai. Nếu đã bị nhiễm viêm gan siêu vi B thì phụ nữ vẫn có thể phòng ngừa cho trẻ sau sanh bằng cách tiêm globulin miễn dịch và vắc-xin phòng bệnh trong phạm vi 48 tiếng sau khi sanh.


Rubella


Người mẹ bị nhiễm Rubella ở thời điểm đầu 3 tháng đầu mang thai thì trẻ có nguy cơ bị dị tật rất cao, cần phải bỏ thai vì vi-rút tấn công vào các cơ quan: não, tai, tim, mắt, gan của thai nhi. Vì thế các chị em phụ nữ nên đi chích ngừa Rubella trước khi mang thai ít nhất 3 tháng.


Bệnh lậu


Nếu mẹ mắc bệnh lậu không được điều trị thì có thể lây cho con khi sanh. Mắt trẻ là nơi dễ bị ảnh hưởng nhất. Hai mắt trẻ dính không mở được, sưng húp. Nếu không được điều trị có thể dẫn đến mù lòa vì loét hay sẹo giác mạc.


Bệnh mụn rộp hay còn gọi là Herpes


Nếu trẻ bị lây truyền từ người mẹ bị bệnh herpes lúc mang thai thì trẻ sẽ bị những tổn thương với những mức độ khác nhau. Trẻ có thể có tổn thương ở một phần cơ thể nếu là thể nhẹ hoặc sẽ có biểu hiện toàn thân nếu là thể nặng. Ở thể nặng, trẻ có những nốt mụn nước nhỏ trên một vùng da nào đó, thường là vị trí niêm mạc như: miệng, bộ phận sinh dục… Bệnh có thể xâm nhập cả vào bên trong cơ thể, kể cả não. Ngoài ra, trẻ nhiễm vi-rút herpes hay quấy khóc, bú kém, tiêu chảy, khó thở và có thể lên cơn co giật. Những bộ phận khác có thể bị tổn thương là mắt, gan và lách.


Bệnh do Chlamydia


Bị lây nhiễm có thể gây ra viêm mắt sơ sinh, viêm phổi và viêm ống tai. Viêm mắt thường xảy ra khoảng 2 tuần sau đẻ. Nếu không được điều trị, bệnh có thể trở thành mạn tính, dễ tái phát và có thể để lại sẹo ở giác mạc.


Nhiễm HIV


Nhiễm HIV từ mẹ sang con có thể xảy ra trong giai đoạn mang thai, lúc đẻ hoặc trong thời gian cho con bú. Tình trạng lây nhiễm HIV qua cho con hiện nay đã có biện pháp phòng. Vì vậy để tránh sự lây nhiễm cho con khi mang thai, các bà mẹ nên tìm hiểu để biết rõ sự lây truyền của HIV cũng như cách phòng cho con.


Mẹ nhiễm HIV khi mang thai sẽ lây nhiễm cho con như thế nào?


Thời gian mang thai


Bà mẹ bị nhiểm HIV sẽ lây truyền cho con qua:


-  Bánh nhau (còn gọi là bánh rau): là nơi nuôi dưỡng cho trẻ lớn lên hàng ngày trong bụng me. Vi-rut HIV có thể đi qua bánh nhau xâm nhập vào đứa trẻ.


-  Tế bào CD4 (một loại tế bào có chức năng miễn dịch của cơ thể chúng ta) mang vi-rút HIV tăng cao trong cơ thể nhất là vào thời điểm cuối thai kỳ. Đây cũng là nguy cơ cao gây lây nhiễm cho trẻ.


Lúc sanh


Vào thời điểm chuyển dạ đẻ, HIV có thể xâm nhập vào đứa trẻ qua các cách sau:


-  Tử cung người mẹ co bóp, máu chảy ra từ âm đạo người mẹ tạo thuận lợi cho việc lây truyền HIV từ mẹ sang con.


-  Bệnh lý viêm nhiễm bộ phận sinh dục của người mẹ trước khi sanh cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh cho con.


Sau sanh


Người mẹ nhiễm HIV không nên cho con bú mẹ mà phải cho bú sữa thay thế để giảm nguy cơ lây truyền HIV cho con.


Phòng ngừa các bệnh lây nhiễm cho con bằng cách nào?


Khám thai sớm


Sau khi trễ kinh 2 tuần, phụ nữ cần đi khám thai sớm để xác định có thai và được tư vấn làm một số các xét nghiệm phát hiện bệnh lý của mẹ để xử lý kịp thời.


Xét nghiệm HIV khi mang thai

 

Trong số các xét nghiệm cần thiết cho bà mẹ mang thai có xét nghiệm HIV. Nếu không xét nghiệm sẽ không biết bà mẹ nào có nhiễm HIV để phòng tránh lây truyền cho con.


Nếu người mẹ xét nghiệm có HIV thì có chương trình điều trị dự phòng lây truyền mẹ con miễn phí từ tuần thai thứ 14 trở đi và được chương trình tư vấn trước và sau sanh, hướng dẫn phòng ngừa, kế hoạch hóa gia đình sau sanh cho mẹ và cách chăm sóc trẻ sau sanh (chích ngừa và xét nghiệm HIV miễn phí cho trẻ và theo dõi diễn tiến bệnh của trẻ…)


Nếu không được điều trị dự phòng thì tỉ lệ lây cho con khoảng 30%. Trong khi đó nếu mẹ có xét nghiệm sớm, biết nhiễm HIV, được điều trị dự phòng sớm, cho con bú sữa thay thế thì tỉ lệ lây truyền cho con còn khoảng 2 – 5%. Tỷ lệ lây truyền cho con giảm đi rất nhiều chỉ với việc xét nghiệm sớm HIV khi mang thai và tham gia điều trị dự phòng nếu bị nhiễm.


Tóm lại, có rất nhiều bệnh có thể lây truyền cho con khi mang thai. Với những bệnh có vắc-xin thì phụ nữ nên tiêm ngừa trước khi có thai. Khi có thai cần đi khám thai sớm, làm những xét nghiệm cần thiết trong đó có HIV. Nếu mắc các bệnh có thể lây nhiễm cho con thì đã có các biện pháp điều trị dự phòng, và có một chương trình miễn phí dành cho các bà mẹ nhiễm HIV là chương trình phòng lây truyền mẹ con. Đây là những điều chúng ta cần làm để có được những đứa con khỏe mạnh.



Khoa TTĐT

(Tổng hợp từ T4G – BS. Nguyễn Thị Ánh Vân – Bệnh viện Hùng Vương)