Kết quả đạt được

Liên kết website

Những điều cần biết về viêm khớp dạng thấp và viêm cột sống dính khớp
Ngày đăng: 13/07/2016   |  
        
  

Viêm khớp dạng thấp và viêm cột sống dính khớp là các bệnh xương khớp dễ bị bỏ qua do những triệu chứng thông thường ban đầu, nhưng lại gây ảnh hưởng và biến chứng nặng nề khi bệnh tiến triển. Bệnh hiện chưa rõ nguyên nhân cụ thể, có liên quan mật thiết đến các yếu tố về cơ địa và miễn dịch.

1.   Viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý tự miễn điển hình, diễn biến mạn tính với các biểu hiện tại khớp, ngoài khớp và toàn thân ở nhiều mức độ khác nhau. Bệnh diễn biến phức tạp, gây hậu quả nặng nề.

 

Hình 1. Sự khác biệt giữa khớp bình thường và khớp viêm dạng thấp

Bệnh hiện chưa rõ nguyên nhân, có liên quan đến nhiễm khuẩn, cơ địa (nữ giới, trung niên, yếu tố HLA) và rối loạn đáp ứng miễn dịch. Ngoài ra nguyên nhân gây bệnh có thể có vai trò của lympho B, lympho T, đại thực bào,… với sự tham gia của các tự kháng thể (autoantibody) và các cytokine.

Triệu chứng

Biểu hiện lâm sàng của bệnh:

-       Tổn thương tại khớp: bắt đầu bằng viêm một khớp tại các khớp ngoại biên, thường là khớp nhỏ ở bàn tay, sau lan xuống khớp gối, bàn chân, cổ chân, ngón chân,… đối xứng hai bên khớp, sưng đau, hạn chế vận động, ít nóng đỏ,… Các khớp viêm tiến triển nặng dần như viêm màng hoạt dịch, hủy xương tại chỗ, phá hủy sụn, bào mòn xương dẫn đến tình trạng biến dạng và giới hạn vận động khớp, thậm chí có thể gây tàn phế.

-       Tổn thương ngoài khớp: viêm mạch máu, màng ngoài tim, viêm nội tâm mạc, rối loại nhịp tim, tràn dịch màng phổi, xơ phổi, khô giác mạc và kết mạc mắt, hội chứng ống cổ tay, chèn ép tủy cổ do trật khớp đội – trục, loãng xương,…

-       Biểu hiện toàn thân: mệt mỏi, sụt cân, thiếu máu, suy nhược,…

-       Đa số trường hợp viêm khớp khởi phát từ từ và tăng dần, nhưng có khoảng 15% trường hợp bắt đầu đột ngột với những triệu chứng cấp tính.

Chẩn đoán

Việt Nam và thế giới vẫn đang áp dụng rộng rãi tiêu chuẩn do Hội Thấp khớp học Hoa Kỳ (American College of Rheumatology – ACR) đưa ra năm 1987 đối với thể biểu hiện viêm đa khớp với thời gian diễn biến bệnh kéo dài trên 6 tuần như sau:

(1)     Cứng khớp buổi sáng kéo dài trên 1 giờ;

(2)     Viêm, sưng phần mềm hay tràn dịch đối xứng tối thiểu 3 trong số 14 nhóm khớp: khớp ngón gần bàn tay, khớp bàn ngón tay, khớp cổ tay, khớp khuỷu, khớp gối, khớp cổ chân, khớp bàn ngón chân;

(3)     Hạt dưới da: Nổi gồ lên khỏi mặt da, cứng, không đau, đường kính 0,5-2cm, thường gặp ở trên xương trụ gần khớp khuỷu hoặc trên xương chày gần khớp gối, số lượng từ một đến vài hạt;

(4)     Yếu tố dạng thấp trong huyết thanh (Rheumatoid factor-RF) dương tính: Những xét nghiệm yếu tố dạng thấp thông thường dùng để định lượng loại IgM. Trong sinh bệnh học, yếu tố dạng thấp còn bao gồm cả IgG và IgA, nhưng các loại này thường khó định lượng nên không tiện dụng trong thường quy. Tuy nhiên chúng lại là những dự đoán cho một tiên lượng nặng nề hơn so với sự có mặt của yếu tố dạng thấp loại IgM. IgM-RF có mặt ở 75-80% người bệnh viêm khớp dạng thấp trong quá trình diễn tiến bệnh.

(5)     Dấu hiệu X quang điển hình của viêm khớp dạng thấp: chụp khớp tại bàn tay, cổ tay hoặc khớp tổn thương ghi nhận có hình bào mòn, hình hốc, hình khuyết đầu xương, hẹp khe khớp, mất chất khoáng đầu xương;

Theo các biểu hiện bệnh mà tiêu chuẩn này đưa ra, bác sĩ lâm sàng có thể chẩn đoán xác định khi có ít nhất 4 trong các triệu chứng trên. Đồng thời, các triệu chứng viêm khớp (1-4) cần có thời gian diễn biến từ 6 tuần trở lên.

2.   Viêm cột sống dính khớp

-       Là bệnh khớp mạn tính chưa rõ nguyên nhân, quan trọng nhất trong nhóm các bệnh viêm khớp liên quan đến cột sống.

-       Có liên quan chặt chẽ giữa yếu tố cơ địa (thường ở nam giới, trẻ tuổi, mang kháng nguyên HLA B27), kết hợp với tác nhân nhiễm khuẩn (đường tiêu hóa, tiết niệu, sinh dục) và yếu tố thuận lợi tạo điều kiện cho bệnh phát sinh (chấn thương, vệ sinh kém, dinh dưỡng kém, nhiễm khuẩn).

-       Diễn biến âm thầm, khó chẩn đoán nhưng có thể tiến triển gây tàn phế do calci hóa hệ thống dây chằng, hình thành cầu xương gây dính các đốt sống và các khớp.

Triệu chứng

Biểu hiện đặc trưng của bệnh là hiện tượng viêm các khớp ở trục (cột sống thắt lưng, cột sống cổ) và gần trục (khớp cùng chậu hai bên và các khớp lớn ở ngoại biên). Biểu hiện viêm khớp thường không đối xứng, diễn biến kéo dài, có thể làm bệnh nhân tàn phế sớm do viêm dính và cứng cột sống, viêm dính khớp háng và khớp gối. Các biểu hiện gồm có:

-       Đau, cứng nhẹ vùng thắt lưng;

-       Động tác cột sống hạn chế;

-       Viêm khớp ở chi, viêm khớp lớn, không đối xứng;

-       Mệt mỏi, sút cân, xanh xao, teo cơ nhanh;

-       Đau cứng cột sống, hạn chế vận động;

-       Teo khối cơ cạnh cột sống làm cột sống nhô ra sau, teo cơ ở chi;

-       Dính, biến dạng toàn bộ cột sống, khớp háng, mất chức năng khớp;

-       Biến chứng suy hô hấp, lao phổi, liệt hai chi dưới.

Tổn thương cơ bản của Viêm cột sống dính khớp

-       Đối với các khớp (chủ yếu là các khớp lớn, gần trục như khớp háng, khớp gối,…): tổn thương cơ bản của bệnh là quá trình viêm mạn tính với sự xâm nhiễm của tế bào lympho, tương bào, đại thực bào vào các tổ chức xương dưới sụn, các điểm bán tận của gân, dây chằng, bao khớp dẫn đến xơ hóa và calci hóa. Quá trình viêm kéo dài dẫn đến bao khớp, màng hoạt dịch, sụn khớp xơ teo, vôi hóa, cốt hóa và dính khớp;

-       Đối với cột sống (chủ yếu cột sống thắt lưng và cột sống cổ): Tổn thương vùng cột sống chủ yếu là phần tổ chức đệm nằm giữa dây chằng dọc trước cột sống và thân đốt sống bị viêm kéo dài dẫn đến vôi hóa, cốt hóa và tạo thành cầu xương. Quá trình xơ hóa và vôi hóa dây chằng bên ngoài lan rộng toàn bộ cột sống dẫn đến dính toàn bộ cột sống.

 

Hình 2. Viêm cột sống dính khớp

Chẩn đoán

-       Xét nghiệm:

+        Giảm hồng cầu, tốc độ máu lắng tăng cao, fibrinogene tăng, albumin giảm, globulin tăng;

+        Xét nghiệm miễn dịch như anti-CCP, xét nghiệm ANA (antinuclear antibody), ASO thường âm tínhdịch khớp tăng albumin, tăng bạch cầu đa nhân, giảm mucin;

+        Kháng nguyên HLA B27 dương tính.

-       X quang:

+        Viêm khớp cùng chậu hai bên:

·         Giai đoạn 1: khớp hẹp, diện hơi mờ;

·         Giai đoạn 2: khe khớp hẹp, bờ nham nhở;

·         Giai đoạn 3: hẹp và dính khớp một phần;

·         Giai đoạn 4: dính khớp hoàn toàn.

+        Viêm khớp háng: hẹp khe khớp, mờ diện khớp, mặt khớp nham nhở, dính khớp.

+        Cột sống: mất đường cong sinh lý của cột sống, vôi hóa các dây chằng dọc trước, sau và bên cột sống, hình thành các cầu xương.

+        Các dấu hiệu Xquang khác: viêm ụ ngồi, viêm khớp vệ, gai xương gót,…

3.   Điều trị và phòng bệnh

Điều trị

-       Nguyên tắc: bệnh cần được tiến hành điều trị toàn diện, tích cực, dài hạn và theo dõi thường xuyên.

-       Điều trị triệu chứng: là phương pháp nhằm cải thiện các triệu chứng của bệnh nhưng không làm thay đổi diễn tiến bệnh. Trong đó, bác sĩ lâm sàng sẽ áp dụng các phương pháp giúp bệnh nhân giảm đau, duy trì khả năng vận động.

-       Điều trị đặc hiệu: là biện pháp bác sĩ sử dụng giúp làm chậm hoặc ngừng tiến triển của bệnh. Vì vậy, bệnh nhân cần được điều trị lâu dài và theo dõi các triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng trong suốt thời gian điều trị.

-       Điều trị hỗ trợ: Ngoài điều trị đặc hiệu và điều trị triệu chứng để cải thiện bệnh, bệnh nhân cần tăng cường tập luyện và phục hồi chức năng, kết hợp với điều kiện dinh dưỡng và lao động hợp lý, điều độ.

-       Điều trị và dự phòng biến chứng: Do bệnh thường kèm theo biến chứng trên các cơ quan hệ tiêu hóa, tim mạch, thận niệu, xương,… nên cần lưu ý theo dõi dự phòng các biến chứng này trong quá trình điều trị bệnh và trong thời gian phục hồi.

Phòng bệnh

Dự phòng có thể ngăn ngừa và hạn chế các yếu tố thúc đẩy quá trình thoái hóa xương khớp, làm quá trình phát triển của bệnh xảy ra chậm hơn, muộn hơn và nhẹ hơn. Các biện pháp có thể kể đến như:

-     Chống các tư thế xấu trong sinh hoạt và lao động hằng ngày, bảo đảm vệ sinh và an toàn lao động để giảm các lực tỳ đè bất hợp lý lên sụn khớp;

-     Tập thể dục hằng ngày và giữa các giờ lao động. Khi có tuổi, cần duy trì chế độ tập thể dục đều đặn, vừa sức (tốt nhất là đi xe đạp, đi bộ và tập dưỡng sinh,…);

-     Tránh các động tác quá mạnh, đột ngột, tránh sai tư thế khi mang vác nặng;

-     Phát hiện và điều trị sớm các dị tật, các di chứng của chấn thương, các bệnh lý tại khớp và cột sống;

-     Phòng ngừa và điều trị các bệnh có liên quan đến miễn dịch, nhiễm khuẩn.

-     Bảo đảm chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân đối, tránh dư cân. Đặc biệt cần bổ sung Calci, Phospho, Vitamin D, nhóm B, C, Collagen type II,… vào khẩu phần ăn hàng ngày của người có tuổi.

Vân Anh
(Trích nguồn T4G)