Kết quả đạt được

Liên kết website

Escherichia coli (E. coli) – Lợi ích và tác hại đối với sức khỏe con người
Ngày đăng: 08/07/2011   |  
        

 

E. coli có vai trò gì đối với hệ tiêu hóa?


E. coli là nhóm vi khuẩn hiếu khí sống trong đường tiêu hóa của người và động vật, E. coli cùng các vi khuẩn khác trong hệ vi khuẩn đường ruột góp phần vào nhiều chức năng quan trọng trong sự sống của con người như:


-          Ngăn chặn sự tấn công của các vi khuẩn xâm nhập vào hệ tiêu hóa;


-          Kích thích hệ miễn dịch của cơ thể;


-          Sản xuất các chất có lợi cho cơ thể, ví dụ vitamin K, biotin, folate;


-          Giúp chuyển hóa các chất đường.


Tuy nhiên, một khi vi khuẩn này lạc vào một số cơ quan khác ngoài hệ tiêu hóa thì chúng có thể gây ra một số bệnh như nhiễm trùng tiểu, viêm màng não...


Ngoài ra, có một số loài E. coli có thể gây bệnh do chúng đã tiếp nhận các khả năng gây bệnh từ những vi khuẩn khác. Đó là các loại E. coli gây bệnh đường ruột, trong đó nhóm cực kỳ nguy hiểm là nhóm EHEC (enterohemorrhagic Escherichia coli) gây tiêu chảy ra máu (viêm đại tràng xuất huyết) dẫn đến tán huyết và suy thận.

 

Vi khuẩn E. coli gây bệnh tiêu chảy ra máu nguy hiểm nhất là chủng nào?


E. coli có nhiều chủng khác nhau. Để phân biệt, chúng được đặt tên theo hai chữ cái O, H và số thứ tự kèm theo. Trong số các chủng E. coli gây bệnh tiêu chảy ra máu thì chủng E. coli O157:H7 được xem là nguy hiểm nhất vì đặc điểm lây lan nhanh và gây tử vong (do tán huyết và suy thận).

 

 

Hình 1: Vi khuẩn Escherichia coli (E. coli)


Chủng E. coli O157:H7 gây ra vụ dịch đầu tiên vào năm 1982 ở Hoa Kỳ, có 47 người bị tiêu chảy ra máu. Kể từ đó E. coli O157:H7 trở thành mầm bệnh quan trọng nhất trong nhóm các bệnh lây lan qua thực phẩm tại Hoa Kỳ cũng như các nước phát triển ở Châu Âu và Nhật Bản.


Trận dịch vừa qua tại Đức và lan ra khắp Châu Âu từ tháng 5/2011 tiếp diễn đến tháng 6/2011 là do chủng E. coli O104:H4 gây ra. Về mặt di truyền, chủng này giống với chủng E. coli O157:H7 hơn 80% nhưng khả năng gây ra biến chứng tán huyết và suy thận lại cao hơn chủng E. coli O157:H7. Đây được xem là trận dịch lớn nhất tại Châu Âu từ trước đến nay.

 

 

Hình 2: Vi khuẩn E. Coli nhìn qua kính hiển vi


E. coli O157:H7 lây lan bằng cách nào?


Trâu, bò là ổ chứa và là nguồn lây quan trọng nhất của chủng E. coli O157:H7. Khi ở trong ruột già của trâu, bò, E. coli O157:H7 không gây bệnh và chỉ làm tiêu chảy nhẹ ở bê, nghé. Vi khuẩn theo phân trâu, bò ra ngoài môi trường và lây lan qua đường tiêu hóa do người ăn thực phẩm thịt gia súc không nấu đủ chín, sữa tươi không tiệt trùng, rau quả không rửa sạch hoặc uống nước bị nhiễm bẩn. Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây lan trực tiếp từ người qua người nếu không giữ vệ sinh sạch sẽ. Mặc dù có thể bị tiêu diệt ở 70oC  nhưng vi khuẩn E. coli lại có thể tồn tại trong đất đến hơn 2 tháng ở xứ lạnh.

 

Làm sao để nhận biết mắc bệnh và khi mắc bệnh cần phải làm gì?


Người nhiễm bệnh có biểu hiện đau bụng dữ dội, đi phân lỏng nhiều lần trong ngày, ít khi nôn mửa, thân nhiệt có thể hơi sốt. Trường hợp bệnh nặng, bệnh nhân có thể sốt cao, mệt mỏi, chân tay co quắp, đổ mồ hôi. Dựa trên các biểu hiện thông thường không thể nhận biết được bệnh do E. coli gây ra mà cần phải thực hiện xét nghiệm vi sinh.


Tiêu chảy dạng thông thường do E. coli không đáng ngại vì có thể chữa khỏi bằng cách cho uống dung dịch bù nước và điện giải ORESOL (nước biển khô) tương tự như các loại tiêu chảy do các nguyên nhân khác gây ra.


Tuy nhiên khi gặp trường hợp bệnh tiêu chảy ra máu có suy thận (thường có thêm các biểu hiện như da xanh, lạnh, yếu cơ, tiểu ít...) thì cần nghĩ đến bệnh do EHEC gây ra. Bệnh nhân cần được nhập viện điều trị, vì ở bệnh viện có đủ xét nghiệm để xác định chẩn đoán, có phương tiện để lọc máu trị suy thận và để xử lý tốt chất thải từ bệnh nhân, tránh lây lan cho cộng đồng.


Bệnh có thể được phòng ngừa như thế nào?


Ăn uống hợp vệ sinh và rửa tay thường xuyên với xà phòng là biện pháp tốt nhất để phòng ngừa các bệnh tiêu chảy nói chung và các bệnh do E. coli gây ra nói riêng.


Thức ăn cần phải được nấu cho chín cả bên ngoài lẫn bên trong, rau quả ăn sống phải được rửa sạch với nước sạch và chỉ uống sữa đã được tiệt trùng. Ăn chín uống sôi, rửa tay với xà phòng trước khi chuẩn bị thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi làm vệ sinh cho trẻ nhỏ. Đây là cách đơn giản, rẻ tiền, dễ thực hiện và có hiệu quả thực tế to lớn để phòng tránh các bệnh tiêu chảy bao gồm bệnh do E. coli gây ra và các bệnh truyền nhiễm khác như bệnh tay-chân-miệng, cúm...

 

 

Khoa Thông tin Đào tạo

                                                                   (Theo TS.BS Hà Vinh - BV Bệnh Nhiệt Đới)