Kết quả đạt được

Liên kết website

Các khuyến cáo trong chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp
Ngày đăng: 11/10/2017   |  
        

 

Tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg và là một trong những bệnh có tốc độ gia tăng và gây tử vong hàng đầu. Phần lớn bệnh thường gặp ở những người cao tuổi, người già, người béo phì, thừa cân hay những người mắc một số những bệnh lý liên quan khác như đái tháo đường, mỡ máu cao hoặc đôi khi là do di truyền. 

Hình: Khi huyết áp tăng quá cao sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.

Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh tăng huyết áp. Một số nguyên nhân chính là:

-    Chế độ ăn không lành mạnh

Chế độ ăn và lối sống sẽ ảnh hưởng đến huyết áp. Ngoài lượng chất béo cung cấp cho cơ thể qua việc ăn uống thì loại chất béo cũng rất quan trọng. Thực phẩm giàu chất béo bão hòa rất nguy hiểm đối với cơ thể. Ngoài ra, chế độ ăn quá nhiều muối cũng liên quan trực tiếp tới tăng huyết áp vì muối làm tăng hấp thu nước vào máu, gây tăng huyết áp.

-    Tuổi tác

Tuổi tác cũng là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh tăng huyết áp. Tuổi càng cao càng có nhiều thay đổi về mặt giải phẫu của mạch máu, dẫn đến tăng huyết áp. Các triệu chứng bệnh tăng huyết áp do tuổi cao thường khó xác định.

-     Hút thuốc, uống rượu bia

Hút thuốc lá và uống rượu bia nhiều là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất làm tăng huyết áp. Đối với những người phải dùng thuốc để điều trị tăng huyết áp, việc uống bia, rượu quá mức sẽ làm mất tác dụng của thuốc hạ huyết áp, làm cho bệnh tăng huyết áp càng nặng hơn. Hút thuốc lá làm hẹp mạch máu, giảm lượng oxy có sẵn trong cơ thể, khiến tim phải bơm máu mạnh hơn. Đây là hai yếu tố chính gây tăng huyết áp. Mệt mỏi, nôn mửa là những triệu chứng thường gặp trong trường hợp này.

-        Ít vận động

Người ít vận động thể lực hay có lối sống tĩnh tại cũng được xem là một nguy cơ của bệnh tăng huyết áp. Việc vận động thể lực hàng ngày đều đặn trong khoảng thời gian từ 30 đến 45 phút sẽ mang lại lợi ích rõ rệt trong biện pháp làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch nói chung và bệnh tăng huyết áp nói riêng.

Từ những nguyên nhân trên có thể thấy, đa phần người bệnh tăng huyết áp là do những yếu tố khách quan mà chính bản thân gây ra. Những yếu tố như do di truyền hay mắc các bệnh liên quan cũng đóng vai trò rất lớn trong việc khiến cho huyết áp tăng cao. Tuy nhiên, chúng ta cũng không được chủ quan với căn bệnh này, tốt nhất là nên kiểm tra huyết áp định kỳ kể cả khi bản thân không thuộc những nguyên nhân trên.

 Các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh tăng huyết áp:

-       Hoa mắt chóng mặt;

-       Đau đầu dữ dội;

-       Mệt mỏi;

-       Đau ngực;

-       Nôn ói;

-       Tiểu máu;

-       Có vấn đề về thị giác;

-       Các vấn đề về hô hấp.

Một số cách phòng tránh bệnh tăng huyết áp:

-       Ăn uống khoa học: không ăn mặn; nên ăn nhiều rau, ăn đủ lượng kali, nhiều cá, ít thịt;

-       Không hút thuốc lá;

-       Hạn chế uống rượu, bia;

-       Kiểm soát cân nặng để giảm nguy cơ béo phì;

-       Tăng cường rèn luyện thể lực và đi bộ mỗi ngày;

-       Tinh thần thư giãn, không để bản thân rơi vào trạng thái stress;

-       Duy trì lối sinh hoạt hợp lý;

-       Tránh những tình huống gây xúc động, tác động mạnh và bất ngờ;

-       Ngủ đủ giấc, có thời gian thư giãn mỗi khi áp lực công việc cao;

-       Quan tâm đến chế độ dinh dưỡng;

-        Kiểm tra huyết áp thường xuyên.

                                                                                                                                             Hồng Đào