Kết quả đạt được

Liên kết website

Kiểm soát hen phế quản khi thời tiết giao mùa
Ngày đăng: 11/05/2012   |  
        

 

Trong tiết trời giao mùa từ xuân sang hè, ở nước ta hay có các đợt gió mang theo hơi lạnh và độ ẩm cao làm cho các bệnh đường hô hấp dễ bùng phát, đặc biệt là các bệnh dị ứng đường hô hấp, trong đó có bệnh hen phế quản.


Bệnh hen phế quản là gì?


Hen phế quản là một rối loạn viêm mạn tính, được đặc trưng bởi sự tắc nghẽn các tiểu phế quản (bronchiolar obstruction) và sự hẹp lại của các đường hô hấp, gây nên bởi sự co thắt cơ trơn do tăng hoạt, những thâm nhiễm tế bào và sự sản xuất niêm dịch.

 

Nguyên nhân của hen phế quản?                          

 

Bệnh hen phế quản luôn luôn diễn biến từ nhẹ đến nặng và ngược lại: chỉ cần một biến đổi nhỏ của thời tiết, hít phải khói thuốc lá, phấn hoa, lông thú, thức ăn, hóa chất, uống thuốc aspirin, dùng kháng sinh, dùng thuốc ức chế men chuyển hóa, hoặc do stress bởi cảm xúc bị ức chế,… là cơn hen đột ngột xuất hiện và có thể trở nên trầm trọng, thậm chí đưa đến tử vong.

 

 

Hình 1. Một số yếu tố nguy cơ và tác nhân khởi phát gây hen phế quản

 

Các biểu hiện của hen phế quản?

 

Hen có 4 dấu hiệu chính gồm: Ho, khó thở, khò khè và nặng ngực. Ho hay xuất hiện về đêm và sáng sớm. Khó thở và khò khè do tăng tiết đờm dãi. Đờm có thể trong và đặc, bệnh nhân khạc ra những cục đờm nhỏ như tép bưởi, đờm có thể màu vàng đục, đờm màu xanh là khi có nhiễm khuẩn. Nghe phổi có nhiều ran rít, ran ngáy và ran ẩm. Chụp X-quang phổi trong cơn thường sáng hơn bình thường do ứ khí. Có thể làm thêm các xét nghiệm về thông khí như đo chức năng hô hấp, lưu lượng đỉnh, test giãn phế quản.

 

Các mức độ của hen phế quản?

 

Căn cứ vào sự xuất hiện của cơn hen vào ban đêm liên tục hay không liên tục, số lượng cơn hen xuất hiện vào ban ngày và ảnh hưởng của cơn hen đối với hoạt động thể lực của bệnh nhân, hen phế quản được chia thành 4 bậc:


 

Bậc


 

 

Biểu hiện


1

 

rất nhẹ, thỉnh thoảng có cơn khó thở ban đêm < 2 lần/tháng, giữa các cơn khó thở bệnh nhân bình thường.


2

 

hen nhẹ, kéo dài, khó thở ban đêm >2 lần/tháng, khó thở ban ngày >1 lần/tuần.


3

 

hen trung bình kéo dài, cơn khó thở ban đêm >1 lần/tuần, khó thở ban ngày hằng ngày, cơn hen gây hạn chế hoạt động.


4

 

hen nặng kéo dài, các triệu chứng khó thở xuất hiện dai dẳng, thường xuyên cả ban ngày và ban đêm, hoạt động thể lực bị hạn chế.


 

Cơn kịch phát (hen ác tính) khiến cho bệnh nhân khó thở không nằm được, phải ngồi ngả đầu ra phía trước, tiếng nói đứt đoạn, rít sâu, tần số trên 30 lần/phút hoặc hơn, vã mồ hôi. Có thể ngủ gật, lú lẫn, co kéo các cơ hô hấp trên xương ức, nhịp tim nhanh trên 120 lần/phút. Khi rất nặng thì mạch chậm, huyết áp tăng, nghe phổi mất tiếng ran (phổi câm). Đo chức năng hô hấp thấy chỉ số FEV1 (Forced Expiratory Volume in 1 second) <60%. Nếu bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng nguy kịch, hôn mê, suy hô hấp, trụy mạch và tử vong nhanh chóng.

 

 

Hình 2. Hình ảnh phế quản bình thường và phế quản bệnh nhân hen

 

Biện pháp kiểm soát hen phế quản?

 

Mục tiêu của điều trị kiểm soát hen phế quản cần đạt là:


-      Giảm tối thiểu các triệu chứng mạn tính, kể cả các biểu hiện về ban đêm;


-      Không hoặc ít khi phải đi cấp cứu bệnh viện;


-      Giảm tối thiểu nhu cầu sử dụng các thuốc giãn phế quản; 


-      Thể lực của người bệnh được tăng cường, cải thiện chất lượng cuộc sống;


-      Lưu lượng đỉnh và các chức năng thông khí đạt gần như bình thường.

 

Biện pháp:

 

Từ 3 - 6 tháng, người bệnh phải đến bác sĩ chuyên khoa về hô hấp để khám, được xếp vào bậc thang phân loại hen phế quản và được điều trị thích hợp. Người bệnh phải tuân thủ cách điều trị của bác sĩ và tránh xa các dị nguyên gây bệnh.

 

Hen phế quản tuy nguy hiểm, nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát được. Đặc biệt vào lúc chuyển mùa thì việc khống chế không để cơn hen bùng phát là điều rất quan trọng. Khi người bệnh có biểu hiện khó thở hay đã khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.

 

Ngày Hen toàn cầu (World Asthma Day) hàng năm được tính là ngày thứ ba đầu tiên của tháng 5 nhằm mục đích nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết là mỗi bệnh nhân hen đều phải được chẩn đoán kịp thời, điều trị thích hợp và biết cách phòng tránh các yếu tố kích thích trong môi trường sống và làm việc có thể gây ra cơn hen. Chủ đề của Ngày Hen toàn cầu năm 2012 là “Bạn có thể kiểm soát Hen“.

 

Một số địa chỉ liên hệ tìm hiểu về bệnh hen:

 

Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch:


   Địa chỉ: 120 Hồng Bàng, phường 12, quận 5, TP.HCM,


   Website: www.bvpnt.org.vn


Hội Hô hấp TP.HCM:


   Địa chỉ: Trung tâm chăm sóc hô hấp - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, 215 Hồng Bàng, quận 5, TP.HCM;


   Website: www.hoihohaptphcm.org 


Website Ngày Hen toàn cầu: www.ginasthma.org

 

 

 

Quỳnh Như.

(Tổng hợp)