Kết quả đạt được

Liên kết website

Những điều cần biết để phòng tránh bệnh liên cầu khuẩn lợn
Ngày đăng: 12/09/2014   |  
        

 

Bệnh liên cầu khuẩn lợn là một loại bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra ở người và hầu hết các loài động vật máu nóng, đặc biệt phổ biến ở lợn. Bệnh có thể lây từ lợn sang người và có nguy cơ gây tử vong. Vi khuẩn gây bệnh liên cầu lợn có thể sống 2 tuần trong các chất thải của lợn ngoài môi trường và chỉ chết ở nhiệt độ cao hoặc trong chất sát khuẩn.

Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Streptococcus suis, là một liên cầu khuẩn, Gram dương (+), có hình oval và sắp xếp thành chuỗi. Liên cầu khuẩn lợn cư trú trong đường hô hấp trên, đặc biệt là xoang mũi và hạch hạnh nhân, cũng có thể ở đường tiêu hóa, đường sinh dục của lợn. Liên cầu khuẩn lợn gây viêm phổi hay nhiễm trùng máu ở lợn và khi đó tất cả các bộ phận như thịt, da, xương, tiết, lòng đều có vi khuẩn dẫn tới nguy cơ lây bệnh sang người tăng cao.


Hình 1. Liên cầu khuẩn lợn

 Liên cầu khuẩn lợn có thể lây nhiễm sang con người theo 2 cách:

·      Qua đường ăn uống các món ăn chưa được nấu chín.

·      Qua vết thương ở da, đường hô hấp, tiếp xúc với máu hoặc các dịch tiết của heo bệnh.

Khi nhiễm liên cầu khuẩn lợn, bệnh sẽ diễn biến cực kỳ nhanh chóng, cơ hội cứu chữa thấp nếu nhập viện muộn. Do đó, nếu người bệnh có một số biểu hiện dưới đây thì cần chuyển ngay đến bệnh viện để nhận được sự điều trị kịp thời của bác sĩ:

·     Biểu hiện ban đầu là sốt rất cao (lạnh, tay chân run, nhiệt độ cơ thể cao trên 390C), đầu đau dữ dội, đau cứng cổ gáy, tri giác lơ mơ, li bì, hôn mê, sau đó sốc và tụt huyết áp, suy hô hấp, xuất hiện các ban hoại tử trên da (xuất huyết rất to màu xám đen, bong tróc, hay lốm đốm);


Hình 2. Biểu hiện xuất huyết dưới da của người bệnh liên cầu khuẩn lợn
 

·      Tiếp đó, bệnh nhân có thể bị viêm màng não, viêm phổi, suy gan, suy đa phủ tạng;

·     Ngoài ra có thể có biểu hiện nhiễm trùng huyết (sốt cao, da xanh, mệt mỏi phờ phạc, môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi...), sốc do nhiễm độc, xuất huyết dưới da...

Đặc biệt, người bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn thường có biểu hiện giống nhiều bệnh khác như nhiễm trùng huyết, sốt xuất huyết, viêm màng não mũ,... nên dễ gây chẩn đoán nhầm, dẫn đến bệnh nhân bị điều trị sai và muộn.

Với mức độ nguy hiểm của bệnh liên cầu khuẩn lợn, Sở Y tế Tp.HCM đã chỉ đạo các đơn vị y tế trong Thành phố tăng cường biện pháp phòng chống nhiễm liên cầu khuẩn lợn ở người. Trong đó, Sở đã yêu cầu Trung tâm Y tế Dự phòng Tp.HCM phối hợp với Chi cục Thú y Tp.HCM nắm bắt kịp thời tình hình dịch bệnh trên đàn lợn để chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống dịch:

·       Tăng cường công tác giám sát dịch bệnh;

·       Kiểm soát nghiêm ngặt nguồn gốc, tình trạng sức khỏe của động vật và sản phẩm động vật;

·      Người chăn nuôi cần thường xuyên tẩy trùng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ;

·     Người có tổn thương ở tay, chân, bệnh ngoài da... không được giết mổ heo. Phải trang bị đồ bảo hộ lao động tối thiểu khi giết mổ heo như găng tay, khẩu trang. Sau khi giết mổ heo phải rửa chân, tay bằng xà phòng;

·      Thịt lợn phải được nấu chín trước khi sử dụng, tuyệt đối không ăn tiết canh, thịt lợn còn sống, gỏi thịt lợn. Sau khi dùng thịt hoặc tiếp xúc với lợn, nếu thấy có triệu chứng sốt cao, nhức đầu, nôn nhiều, đau họng, cần nhập viện ngay;

·      Tiêu hủy lợn nhiễm bệnh phải sử dụng đồ bảo hộ lao động.

Thanh Nhàn
(Tổng hợp)