Kết quả đạt được

Liên kết website

Những điều cần biết về bệnh bạch hầu
Ngày đăng: 10/09/2015   |  
        

 

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng cấp tính lây theo đường hô hấp, do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra;

Bệnh bạch hầu lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu. Bệnh còn có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu;

Miễn dịch sau khi khỏi bệnh chỉ bền vững một cách tương đối, vì vậy tỷ lệ  tái phát khoảng 2-5%. Miễn dịch sau khi tiêm giải độc tố cũng giảm dần, do vậy người lớn nếu không tiêm chủng nhắc lại vẫn có thể mắc bệnh.

Đặc điểm dịch tễ học

- Bệnh bạch hầu lưu hành rộng rãi ở mọi nơi trên thế giới, gây nên các vụ dịch nghiêm trọng, nhất là ở trẻ em trong thời kỳ chưa có vaccine dự phòng. Năm 1923, vaccine giải độc tố bạch hầu ra đời và từ đó đến nay tính nghiêm trọng của bệnh dịch đã thay đổi trên toàn thế giới;

- Bệnh bạch hầu thường xuất hiện trong những tháng lạnh ở vùng ôn đới, có tính tản phát và có thể phát triển thành dịch, nhất là ở trẻ dưới 15 tuổi chưa được tiêm phòng đầy đủ;

- Ở khu vực Tây Thái Bình Dương, hiện nay số ca mắc bệnh bạch hầu hàng năm đã giảm rõ rệt do hiệu quả của việc tiêm phòng vaccine bạch hầu cho trẻ em được thực hiện có kết quả ở các nước trong khu vực;

- Ở Việt Nam, thời kỳ chưa thực hiện tiêm vaccine bạch hầu trong chương trình tiêm chủng mở rộng thì bệnh bạch hầu thường xảy ra và gây dịch ở hầu hết các tỉnh, đặc biệt là ở các thành phố có mật độ dân cư cao.

Tác nhân gây bệnh

-       Tên tác nhân: Corynebacterium diphtheriae thuộc họ Corynebacteriaceae. Vi khuẩn bạch hầu có 3 type là Gravis, MitisIntermedius;

-       Hình thái: Hình thể vi khuẩn đa dạng; gram (+); điển hình là trực khuẩn có một hoặc 2 đầu phình to nên còn gọi là trực khuẩn hình chuỳ, dài 2-6 µm và rộng 0,5-1µm; không sinh nha bào; không di động;

-       Khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài: 

Ø  Vi khuẩn bạch hầu có sức đề kháng cao ở ngoài cơ thể và chịu được khô lạnh. Nếu được chất nhày bao quanh bảo vệ thì vi khuẩn có thể sống trên đồ vật vài ngày đến vài tuần; trên đồ vải có thể sống được 30 ngày; trong sữa, nước uống sống đến 20 ngày; trong tử thi sống được 2 tuần;

Ø  Vi khuẩn bạch hầu nhạy cảm với các yếu tố lý, hoá. Dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp, vi khuẩn sẽ bị chết sau vài giờ; dưới ánh sáng khuyếch tán, vi khuẩn sẽ bị diệt sau vài ngày; ở nhiệt độ 58oC vi khuẩn sống được 10 phút; ở phenol 1% và cồn 60 độ có thể sống được 1 phút. Chuột lang có cảm nhiễm cao đối với vi khuẩn bạch hầu;

Ø  Bản chất của ngoại độc tố bạch hầu là một protein có tính kháng nguyên đặc hiệu, độc tính cao, không chịu được nhiệt độ và formol. Ngoại độc tố của các type vi khuẩn bạch hầu đều giống nhau. Ngoại độc tố khi được xử lý bằng nhiệt độ và formol sẽ mất độc lực, được gọi là giải độc tố (anatoxine) dùng làm vaccine.

Vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae

Dấu hiệu của bệnh bạch hầu

-     Bệnh khởi phát với các dấu hiệu sốt nhẹ, đau họng, ho, nói khàn tiếng, chán ăn;

-     Triệu chứng điển hình của bệnh là giả mạc hai bên thành họng có màu trắng ngà, dai, dính khi bóc dễ bị chảy máu;

-     Bệnh có thể có những biến chứng nặng như gây tắc nghẽn đường hô hấp, viêm cơ tim, thoái hóa thận, hoại tử ống thận,… có thể dẫn đến tử vong.

Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu

-     Tất cả trẻ dưới 1 tuổi đều phải được tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu theo lịch tiêm chủng mở rộng quốc gia bằng các vaccine có thành phần bạch hầu như Quinvaxem, DPT (vaccine của chương trình tiêm chủng mở rộng) hoặc các loại vaccine khác như Infanrix Hexa, Pentaxim;…;

-     Thường xuyên vệ sinh nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ, đủ ánh sáng;

-     Che miệng, mũi khi ho, khi hắt hơi; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh;

-     Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ bệnh bạch hầu phải nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời; đồng thời cần thông báo ngay cho trạm y tế địa phương để triển khai các biện pháp dự phòng lây nhiễm cho người xung quanh.

Đông Hà

 (Tổng hợp từ Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM)