Kết quả đạt được

Liên kết website

Những điều cần biết về nhiễm não mô cầu
Ngày đăng: 16/02/2012   |  
        

 

Nhiễm não mô cầu là gì?


Nhiễm não mô cầu là bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn não mô cầu hay còn gọi là màng não cầu (tên khoa học là Neisseria meningitidis, thuộc nhóm cầu khuẩn Gram âm) gây ra. Vi khuẩn cư trú ở vùng hầu họng con người là ổ chứa duy nhất. Vi khuẩn gây bệnh trên toàn thế giới phần lớn do type A, B, C, W135 và Y. Vi khuẩn xâm nhập vào máu gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ; một số trường hợp có thể gây tổn thương các cơ quan khác như màng ngoài tim, các khớp, mắt,… Tần suất vi khuẩn mang bệnh tìm thấy ở hầu họng 5 – 10%; tuy nhiên tỉ lệ này thường cao hơn nhiều ở trẻ em, nhất là vào mùa lạnh.


Bệnh nhiễm não mô cầu bao gồm:


-  Viêm màng não do não mô cầu: là một dạng viêm màng não nặng, gây ra bởi vi khuẩn Neisseria meningitidis.


-  Nhiễm trùng huyết do não mô cầu: xảy ra khi vi khuẩn Neisseria meningitidisxâm nhập vào máu.

 

 

Hình 1: Hình ảnh vi khuẩn Neisseria meningitidis trên kính hiển vi điện tử


Triệu chứng của bệnh?


Bệnh khởi phát đột ngột với sốt cao trên 38oC, mệt mỏi, kèm với:


-  Đau đầu, nôn ói, cổ gượng cứng đau;


-  Xuất hiện chấm xuất huyết có màu đỏ (không biến mất khi ấn), thường ở hông, mông, đầu gối, cẳng chân hoặc ở kết mạc mắt. Sau đó những chấm xuất huyết có thể lan rộng ra, tạo thành những mảng có dạng hình bản đồ với hoại tử ở trung tâm. Chấm và mảng xuất huyết lan nhanh về số lượng cũng như kích thước, giai đoạn sau có thể trở thành tím thẩm hay hoại tử đen;


-  Thể nhiễm não mô cầu tối cấp: trong vòng vài giờ sau khởi bệnh, người bệnh trở nên li bì, lơ mơ, tay chân lạnh, da xanh, vả mồ hôi, rơi vào tình trạng sốc, ban xuất huyết lan nhanh toàn thân và có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.


Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể gặp tình trạng nhạy cảm với ánh sáng, ngủ gà và lú lẫn. Triệu chứng thường khó phát hiện ở trẻ em, có thể biểu hiện bằng chứng ngủ nhiều, dễ kích thích, nôn ói, bỏ ăn.


Khi bệnh diễn tiến nặng, bệnh nhân ở mọi lứa tuổi đều có thể bị co giật. Bệnh não mô cầu có tỷ lệ tử vong khoảng từ 8 – 15%.

 

 

Hình 2: Tử ban xuất huyết ở bệnh nhi nhiễm não mô cầu


Bệnh lây bằng cách nào?


Vi khuẩn não mô cầu thường trú tại vùng mũi họng của người lành mang trùng và ở người nhiễm não mô cầu.


Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với những giọt bắn của dịch tiết hô hấp. Đối tượng thường mắc bệnh chủ yếu là trẻ nhỏ dưới 4 tuổi. Tuy nhiên những vụ dịch có thể xảy ra ở các lứa tuổi lớn hơn, ở các thanh thiếu niên và người lớn tuổi (thường dưới 30 tuổi).


Điều kiện lây lan thuận lợi: ở những nơi đông người, điều kiện làm việc, sống chật chội, kém vệ sinh, vào những tháng mùa lạnh. Ở nước ta bệnh xuất hiện vào cuối mùa khô, đầu mùa mưa.


Chẩn đoán bệnh nhiễm não mô cầu?


-  Cấy máu và xét  nghiệm PCR (polymerase chain reaction)


-  Hút dịch từ các vị trí vô trùng để quan sát dưới kính hiển vi, cấy và xét nghiệm PCR


-  Hút máu từ các vị trí tổn thương ở da để quan sát dưới kính hiển vi, cấy và xét nghiệm PCR


-  Chọc dịch não tủy để quan sát dưới kính hiển vi, cấy và xét nghiệm PCR.


Việc điều trị bệnh não mô cầu?


Bệnh não mô cầu có thể được điều trị hiệu quả bằng nhiều loại kháng sinh.


Những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân cần được cho dùng các loại kháng sinh như rifampin, ciprofloxacin hoặc ceftriaxone như một biện pháp phòng ngừa.


Bệnh não mô cầu có tỷ lệ tử vong cao nên được xem là một cấp cứu y khoa. Cần nhập viện điều trị (tuy rằng biện pháp cách ly triệt để không phải lúc nào cũng cần thiết).


Cần điều trị kháng sinh thích hợp càng sớm càng tốt, tốt nhất là sau khi chọc dò dịch não tủy và đánh giá về đại thể. Nếu điều trị trước khi chọc dò tủy sống thì cấy dịch não tủy sẽ khó mọc, gây ảnh hưởng đến công tác chẩn đoán về sau.


Nhiều kháng sinh có khả năng trị được bệnh bao gồm penicillin, chloramphenicol và ceftriaxone.


Phòng ngừa như thế nào?


Cá nhân:


  -  Vệ sinh cá nhân hàng ngày: súc họng, vệ sinh răng miệng; che miệng, mũi khi ho; rửa tay sau khi ho, tiếp xúc người bệnh, trước khi ăn;


-  Tránh tiếp xúc với người bệnh. Khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh cần phải mang khẩu trang y tế;


-  Bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý;  

 

-  Tăng cường vệ sinh nơi ở, nơi làm việc: thông thoáng nhà cửa, mở cửa sổ và cửa ra vào, hạn chế sử dụng máy lạnh;  

 

-  Tiêm phòng.


Trong gia đình hoặc tập thể có người mắc bệnh:


-  Đưa bệnh nhân đi khám;


-  Người bệnh tự cách ly và điều trị tích cực theo hướng dẫn của nhân viên y tế;


-  Cần sắp xếp chỗ ngủ cách nhau ít nhất 1,5m. Phân tán nhỏ những tập thể quá đông;


-  Giữ vệ sinh môi trường thông thoáng, sạch sẽ;


-  Tổng vệ sinh nơi ở, nơi làm việc bằng dung dịch Chloramin B;


-  Phun xịt hóa chất diệt khuẩn tại ổ dịch bằng dung dịch Chloramin B 25%.

        

 

Quỳnh Như  

(Trích nguồn T4G TP.HCM)