Kết quả đạt được

Liên kết website

Bệnh cúm A (H7N9) và các biện pháp phòng bệnh trong cộng đồng
Ngày đăng: 17/11/2015   |  
        

 

Dựa vào các kháng nguyên bên trong (các protein đặc hiệu nhóm) mà người ta phân virus thành 3 nhóm là nhóm A, nhóm B và nhóm C. Các kháng nguyên bên ngoài (các protein đặc hiệu phân nhóm) hay còn gọi là kháng nguyên bề mặt đóng vai trò quan trọng giúp virus có khả năng nhận diện và bám kết tế bào đích để xâm nhiễm vào ký chủ.

Virus cúm A có kháng nguyên bề mặt Hemagglutinin (ký hiệu H) và Neuraminidase (ký hiệu N) với các phân type rất đa dạng, 16 phân type protein H và 9 phân type protein N. Để định danh một chủng virus cúm A cụ thể, người ta dựa vào loại protein H và protein N. Ví dụ, H3N2 là tên gọi cho virus cúm A có protein H loại 3 và protein N loại 2. Khi hai chủng virus cùng xâm nhiễm một tế bào, sẽ dẫn đến việc hình thành các chủng virus mới có các kháng nguyên kết hợp (H3N2 và H5N1 có thể tạo ra H5N2 theo cách này).

Virus cúm A có phổ ký chủ khá rộng từ loài chim đến động vật có vú, kể cả con người. Do tính chất của virus cúm A là sự biến đổi kháng nguyên, đặc biệt là các kháng nguyên bề mặt, nên hệ miễn dịch của ký chủ không kịp đáp ứng chống lại, dễ gây bùng phát dịch cúm. Các nghiên cứu trước đây cho thấy chỉ có virus cúm A phân type H1, H2 và H3 là có khả năng xâm nhiễm và gây bệnh trên người. Tuy nhiên, những năm gần đây đã xuất hiện bệnh cúm trên người do chủng virus H5N1 gây ra và hiện nay là thông tin về các ca bệnh cúm được phát hiện trên người do chủng virus H7N9.

Virus cúm A (H7N9) là một phân nhóm của nhóm virus H7 thường lưu hành ở chim. Chim và người khác biệt về loài nên H7N9 khó xâm nhập vào tế bào người. Tuy nhiên, ở các tế bào đường hô hấp trên của người lại có các thụ thể giống với thụ thể loài chim, nên qua tiếp xúc, H7N9 có thể xâm nhập đường hô hấp gây bệnh cúm cho người.

Cho tới nay, phần lớn các bệnh nhân nhiễm virus H7N9 đều bị viêm phổi nặng. Triệu chứng bao gồm sốt, ho và khó thở. Tuy nhiên thông tin về triệu chứng đầy đủ mà bệnh nhiễm cúm gia cầm A (H7N9) có thể gây ra còn hạn chế.

Để ngăn ngừa việc lây nhiễm H7N9 nên tuân thủ những thói quen vệ sinh cơ bản để ngăn ngừa nhiễm trùng như vệ sinh tay và hệ hô hấp, thực hiện an toàn thực phẩm.

Theo hướng dẫn giám sát, phòng chống bệnh cúm A (H7N9) của Bộ Y tế ngày 06/4/2013, các biện pháp phòng bệnh chung đối với cúm A (H7N9) bao gồm:

-    Rửa tay thường xuyên với xà phòng, đặc biệt trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi tiếp xúc với gia cầm. Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

-    Thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm: ăn chín, uống sôi, không vận chuyển, chế biến, sử dụng gia cầm ốm/chết/không rõ nguồn gốc.

-    Tránh tiếp xúc với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính, với gia cầm ốm/chết. Khi phải tiếp xúc, cần đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.

-    Che miệng và mũi khi ho hoặc khi hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn giấy để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp, sau đó hủy hoặc giặt sạch khăn ngay.

-    Tăng cường thông khí nơi làm việc, nhà ở, trường học, cơ sở y tế,… bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa.

-    Thường xuyên súc họng bằng nước sát khuẩn miệng.

-    Tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý.

-    Nếu thấy có biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp cấp tính như sốt, ho, đau họng, khó thở phải thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn, khám và điều trị kịp thời.

-    Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y địa phương trong giám sát dịch bệnh, chia sẻ thông tin và các biện pháp phòng chống dịch bệnh lây lan từ gia cầm sang người.

 

Kiều Hoa
(Tổng hợp)

 

Tập tin Tiếng Việt:

Các tin khác cialis