Kết quả đạt được

Liên kết website

Sừng tê giác - Ảo tưởng về thần dược trị ung thư
Ngày đăng: 24/07/2016   |  
        

 

Hiện nay, tình trạng bùng nổ việc buôn bán trái phép động vật hoang dã trên thế giới đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự đa dạng sinh học của trái đất và đẩy các loài động vật hoang dã tiến dần đến bờ vực tuyệt chủng. Năm 2007, theo xếp hạng của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (World Wide Fund for Nature – WWF), các loài động vật dẫn đầu danh sách đỏ (Danh sách các loài động, thực vật quý hiếm) chủ yếu sống tại Châu Mỹ và Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam với 3 loài là tê giác Java, voọc đầu vàng và gấu trúc.

Cuối năm 2011, tê giác Java được xác nhận đã tuyệt chủng tại Việt Nam và hiện chỉ còn vài chục cá thể trên thế giới. Sự tuyệt chủng của tê giác được WWF báo cáo là do hoạt động của con người dẫn đến diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp và một lý do nữa, đáng chú ý hơn, đó là nạn săn trộm tê giác để lấy sừng làm đồ dùng sưu tầm vì sừng tê giác được xem là một biểu tượng của quyền lực và sự giàu có; ngoài ra tác dụng của sừng tê giác còn được thổi phồng như một liều thuốc thần kỳ chữa bách bệnh trong đó có ung thư hay là một thực phẩm chức năng tăng cường sinh lực nam giới.

Ngày 20/8/2015 hội thảo “Hiểu đúng về ung thư” do Tổ chức Cứu trợ Hoang dã (WildAid), Trung tâm CHANGE, Quỹ Động vật Hoang dã Phi châu (African Wildlife Foundation) phối hợp cùng Quỹ Hỗ trợ Bệnh nhân Ung thư - Ngày mai tươi sáng (Quỹ NMTS) tổ chức tại Bệnh viện K – Hà Nội, GS. Nguyễn Bá Đức - Nguyên Giám đốc Bệnh viện K, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết tỷ lệ người bệnh mắc ung thư phát hiện sớm rất thấp. Phần lớn, bệnh nhân đến bệnh viện điều trị khi đã ở giai đoạn muộn. Nguyên nhân một phần do nhiều người ngộ nhận điều trị ung thư bằng những bài thuốc truyền miệng như dùng nấm lim xanh, sừng tê giác,… làm mất đi “thời gian vàng” trong điều trị ung thư. Giáo sư còn khẳng định: “Sừng tê giác chỉ như móng tay người, nó là chất sừng thông thường chứ không phải là thần dược như mọi người vẫn nghĩ. Hiện nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu chứng minh, sừng tê giác do chất sừng keratin tạo ra, một chất sừng có ở tóc và móng tay của người. Vì thế, sừng tê giác không phải là thuốc tiên”.

 

Hình. Một con tê giác bị khai thác sừng đang chờ chết.

Với những nỗ lực rất lớn hiện nay trong việc thực thi mạnh mẽ hơn chính sách chống buôn bán trái phép động vật hoang dã, các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng, các dự án bảo tồn thiên nhiên và thực thi pháp luật,… đã đạt được một số thành công. Tuy nhiên, nhiều loài vẫn đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng và cần có những nỗ lực tận tâm, bền vững của mỗi người trong chúng ta để thay đổi điều đó. Chính vì thế, dù bạn là ai và bất cứ nơi nào bạn sống, đừng khoan nhượng với việc buôn bán trái phép động vật hoang dã trong cả lời nói và hành động.

·        Các hoạt động trong nước:

Hưởng ứng “Tháng hành động vì môi trường” trên toàn quốc, từ tháng 5 đến hết tháng 6 năm 2016, các Bộ, ban ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương đồng loạt tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng “Ngày Môi trường Thế giới” nhằm tạo thành chuỗi hoạt động thuộc “Tháng hành động vì môi trường” trên phạm vi cả nước, đặc biệt là, tiếp tục triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Công ước về Đa dạng sinh học và Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp; Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014; Luật Đa dạng sinh học; Luật Bảo vệ rừng; các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường đến đông đảo cán bộ và tầng lớp nhân dân.

·        Các hoạt động quốc tế:

Để hưởng ứng “Ngày Môi trường Thế giới”, ngày 25/5/2016, tại Nairobi - Kenya, Liên Hiệp quốc phối hợp cùng các tổ chức quốc tế về bảo vệ động vật hoang dã như WildAid, African Wildlife Foundation,… đã phát động một chiến dịch huy động hàng triệu người trên thế giới hưởng ứng trong đó có các vị đại sứ là những người nổi tiếng. Chiến dịch này nhằm chống lại việc mua bán trái phép động vật hoang dã và mong muốn chấm dứt giao dịch hủy diệt đối với các loài động vật đang bị tuyệt chủng.

Đài Trần.