Kết quả đạt được

Liên kết website

Những điều cần biết về Lao kháng thuốc
Ngày đăng: 08/05/2012   |  
        

 

Vi khuẩn Lao gây bệnh cho người có tên khoa học là Mycobacterium tuberculosis (M.T) là trực khuẩn kháng acid (acid-fast bacillus – AFB). Phần lớn được tìm thấy trong đàm của người bị nhiễm Lao.

 

 

Hình : Vi khuẩn Lao trong phổi người bệnh

 

Bệnh Lao thường xảy ra ở:


-    Người nghèo, người có chất lượng sống thấp;


-    Người mắc bệnh suy giảm khả năng miễn dịch (HIV, đái tháo đường, điều trị cortisone…);


-    Người suy dinh dưỡng.


Nguyên nhân kháng thuốc của vi khuẩn Lao


Nguyên nhân kháng thuốc của vi khuẩn Lao là do việc điều trị Lao không đúng nguyên tắc, không hiệu quả, không đủ liều, không đủ thuốc, không đủ thời gian, bỏ trị...


Ngoài ra, việc dị ứng khi sử dụng thuốc điều trị Lao cũng làm cho việc điều trị không hoàn chỉnh gây khó khăn, kéo dài thời gian điều trị và một số loại thuốc của bệnh tim mạch, đái tháo đường… gây tương tác với thuốc điều trị Lao.

  

Phân biệt các nhóm vi khuẩn Lao kháng thuốc


Bảng phân biệt các nhóm vi khuẩn Lao kháng thuốc


 

  Lao kháng thuốc


 

  Lao đa kháng thuốc

           

       Lao siêu kháng thuốc


 

Lao kháng thuốc là vi khuẩn Lao không còn chịu tác dụng của một loại thuốc hạng 1 bất kỳ.

 


Lao đa kháng thuốc là vi khuẩn Lao không còn chịu tác dụng của từ hai loại thuốc hạng 1 bất kỳ (isoniazid, rifampixin…).


 

Lao siêu kháng thuốc là vi khuẩn Lao đa kháng thuốc và còn kháng thêm thuốc hạng 2: bất kỳ thuốc nào thuộc nhóm quinolon (ofloxacin, levofloxacin...) và ít nhất 1 loại thuốc tiêm của hạng 2 (kanamyxin, amikaxin, capreomyxin…).


 

Phòng chống bệnh Lao


Mục đích của phòng chống bệnh Lao là:


-    Giảm nguy cơ nhiễm vi khuẩn Lao


-    Giảm nguy cơ chuyển từ nhiễm Lao sang bệnh Lao


     1. Giảm nguy cơ nhiễm vi khuẩn Lao:


-  Sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân: khẩu trang N95 hoặc các loại tương đương trở lên ở những nơi nguy cơ lây nhiễm cao.


-   Giảm tiếp xúc nguồn lây:


+   Tách riêng khu vực Lao thường và Lao kháng thuốc


+   Tiếp xúc gián tiếp qua vách kính


+   Bệnh nhân dùng khẩu trang


-   Kiểm soát vệ sinh môi trường: thông thoáng (đặc biệt là khu lấy đàm, phòng xét nghiệm…)

 

     2. Giảm nguy cơ chuyển từ nhiễm Lao sang bệnh Lao:

 

Tiêm chủng vaccine BCG (Bacille Calmette Guérin)

 

Vaccine được tiêm trong da ở trẻ em từ 1 - 2 ngày tuổi. Việc tiêm chủng vaccine BCG cũng gây nên một số tác dụng phụ và các biến chứng. Tuy nhiên các trường hợp trên rất hiếm gặp và không gây độc hại nghiêm trọng.

 

Vaccine BCG tạo nên trạng thái miễn dịch đối với vi khuẩn Lao. Tuy nhiên, miễn dịch này không chống lại được xâm nhập của vi khuẩn Lao mà chỉ làm chậm lại tốc độ và hạn chế sự lan tràn của vi khuẩn Lao. Thời gian bảo vệ của BCG là từ 4 – 20 năm hoặc nhiều hơn.

 

Điều trị dự phòng Lao INH (Isoniazid)

 

Bệnh Lao có thể được tầm soát bằng khám tổng quát và chụp X-quang.

 

Điều trị dự phòng Lao giúp ngăn chặn sự phát triển thành bệnh Lao hoạt động. Isoniazid (NIH) là thuốc được chọn trong điều trị phòng ngừa vì kết quả điều trị rất tốt. Liều lượng INH: 5 - 10mg/kg/ngày. Tác dụng phụ của INH là viêm gan.

 

Đối tượng điều trị dự phòng bao gồm tất cả người nhiễm HIV đã được tầm soát hiện không mắc bệnh Lao tiến triển và trẻ em dưới 5 tuổi tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây từ bệnh nhân Lao phổi.

 

Thời gian điều trị dự phòng tối thiểu 6 tháng:


-    Đối với trẻ nhỏ có thể dùng INH đến 9 tháng


-    Đối với người nhiễm HIV là 9 - 12 tháng


Hiện nay, bệnh Lao là bệnh đã có thể tầm soát, chẩn đoán và điều trị. Vì vậy, để phòng bệnh Lao kháng thuốc, người bệnh phải tuân thủ đủ liều, đủ thuốc, đủ thời gian và không được tự ý bỏ trị. Khi điều trị không được hiệu quả, bệnh nhân không được tự ngừng thuốc mà phải được theo dõi, chăm sóc và xử lý của bác sĩ chuyên khoa.

 

Loại trừ bệnh Lao là một vấn đề toàn cầu và

ngày 24/3 hàng năm là ngày Thế giới chống Lao.

 

 

 

Quốc Phong