Kết quả đạt được

Liên kết website

“Tiếp cận phổ cập tới các Dịch vụ chăm sóc Sức khỏe Sinh sản” - Chủ đề chính của ngày Dân số Thế giới 11/7/2012
Ngày đăng: 18/07/2012   |  
        

 

Ngày Dân số Thế giới ra đời nhằm đánh dấu thời điểm dân số thế giới (DSTG) đạt 5 tỷ người vào ngày 11/7/1987. Theo ước tính của Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc, DSTG đạt cột mốc 7 tỷ người vào ngày 31 tháng 10 năm 2011. Dự đoán hiện tại cho thấy dân số tiếp tục gia tăng, với dân số toàn cầu dự kiến sẽ đạt từ 7,5 đến 10,5 tỷ vào năm 2050.


Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ký tham gia công ước quốc tế và thực hiện chương trình hành động về dân số và phát triển.

 

 

Hình: Chủ đề hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới 2012:
"Tiếp cận Phổ cập tới các Dịch vụ chăm sóc Sức khỏe Sinh sản" 

 

Năm nay, chủ đề chính của Ngày Dân số Thế giới là: “Tiếp cận phổ cập tới các Dịch vụ chăm sóc Sức khỏe Sinh sản”. Chủ đề này được lựa chọn nhằm tăng cường các cam kết hướng tới tiếp cận, phổ cập các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.

 

Thông điệp của Ngày Dân số Thế giới năm nay là:


1.  Xây dựng một thế giới mà ở đó mỗi lần có thai đều được mong đợi… mỗi lần sinh con đều được an toàn... và mỗi thanh niên đều được phát triển hết tiềm năng của mình.


2.  Sức khoẻ sinh sản là quyền và sức khoẻ của phụ nữ, nam giới, thanh niên, và của toàn thể cộng đồng và mỗi quốc gia. Đảm bảo tiếp cận phổ cập sức khoẻ sinh sản chính là bảo vệ tương lai của thế giới chúng ta.


3.  Đầu tư cho sức khoẻ sinh sản của phụ nữ không chỉ là điều đúng đắn cần phải làm mà còn đem lại lợi ích kinh tế.


4.  Chăm sóc sức khoẻ sinh sản, bao gồm KHHGĐ tự nguyện, sẽ giúp bảo vệ sức khoẻ cho thanh niên, phụ nữ và con cái của họ.


5.  Đảm bảo tiếp cận tới KHHGĐ tự nguyện có thể giảm một phần ba số ca tử vong mẹ và giảm 20% số ca tử vong trẻ em. Điều này cũng giúp giảm nghèo, làm chậm lại quá trình tăng trưởng dân số và giảm bớt áp lực cho môi trường.


6.  Để cải thiện nguồn nhân lực và thúc đẩy quá trình tăng trưởng và phát triển bền vững thì một trong những đầu tư tốt nhất là cung cấp các dịch vụ KHHGĐ tự nguyện.


Ngoài các thông điệp trên, Ngày Dân số Thế giới năm nay còn chú trọng truyền thông tầm quan trọng của chăm sóc sức khỏe sinh sản, như:


Hướng dẫn áp dụng các biện pháp tránh thai;


Kiểm tra sức khoẻ trước hôn nhân: là việc làm khoa học để bảo vệ sức khỏe và hạnh phúc gia đình. Việc khám sức khỏe trước khi kết hôn cho vị thành niên và thanh niên sẽ phòng tránh được các bệnh lây nhiễm như AIDS, viêm gan siêu vi, lậu, giang mai…; cũng như kiểm tra các bệnh lý di truyền để giảm bớt được tỉ lệ trẻ em mắc các dị tật bẩm sinh;


Tầm soát trước sinh: là một số chương trình khám lâm sàng, hỏi tiền sử, siêu âm hay xét nghiệm máu cho phụ nữ mang thai nhằm giảm nguy cơ thai sinh ra mang dị tật/bệnh bẩm sinh như: hội chứng Down, dị tật ống thần kinh, bệnh thiếu máu Thalassemia…;


Tầm soát sơ sinh: là xét nghiệm để tầm soát rất sớm các bệnh lý hiếm gặp nhưng gây ra tình trạng rất nặng nếu không được xử lý và can thiệp kịp thời. Việc điều trị sớm những trẻ mắc bệnh có thể cải thiện sức khỏe, phòng chống chậm phát triển trí tuệ thậm chí tránh được tử vong cho trẻ sơ sinh bởi các bệnh: bệnh suy giáp bẩm sinh, bệnh tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, bệnh thiếu men G6PD…;


Đảm bảo bà mẹ được chăm sóc thai nghén, khám sức khỏe định kỳ: mang thai là một hiện tượng sinh lý bình thường. Tuy nhiên, việc các bà mẹ không được chăm sóc, quản lý, phát hiện và điều trị các bất thường trong thai nghén kịp thời sẽ rất dễ xảy ra tai biến cho mẹ, con và có thể dẫn đến tử vong. Do đó, người phụ nữ mang thai cần phải biết cơ bản về những kiến thức chăm sóc thai nghén một cách phù hợp. Trong đó, việc khám thai sớm và định kỳ vô cùng quan trọng trong việc chẩn đoán sớm bệnh lý của thai nhi, nguy cơ tai biến, từ đó có giải pháp kịp thời bảo đảm cho việc an toàn thai nghén và sinh nở;


Phòng và chống các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản: phụ nữ cần được cung cấp các kiến thức nhằm phát hiện sớm và phòng ngừa các bệnh phụ khoa bao gồm viêm âm đạo do vi khuẩn, do nấm, hoặc do trùng roi, bệnh ung thư vú và ung thư cổ tử cung. Trước và trong khi mang thai, phụ nữ cần tiêm các loại vaccine phòng bệnh như: Rubella, viêm gan B, uốn ván, thủy đậu, cúm; chế độ ăn uống phải đủ chất, lượng thức ăn phải nhiều hơn trước, cần uống viên sắt bổ sung, vận động đúng cách….


Như vậy, việc tiếp cận, phổ cập các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản có vai trò cực kỳ quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

 

 

Bảo Trân.

(Tổng hợp)