Kết quả đạt được

Liên kết website

Bệnh Sốt xuất huyết
Ngày đăng: 01/10/2015   |  
        
  

Sốt xuất huyết là một trong những bệnh nhiễm trùng hàng đầu trẻ em nhập viện và tử vong ở các vùng Đông Nam Á và thường bùng phát vào mùa mưa. Tuy nhiên, vào mùa khô hạn thì dịch bệnh vẫn có thể xảy ra và bùng phát mạnh nếu chúng ta chủ quan. Vậy:

 

Bệnh sốt xuất huyết là gì?


Sốt xuất huyết là bệnh nhiễm trùng cấp do siêu vi gây ra, muỗi vằn là vật trung gian truyền bệnh:


-  Tác nhân gây bệnh chủ yếu do siêu vi Dengue chiếm đa số nên bệnh còn có tên gọi đầy đủ là Sốt xuất huyết – Dengue.


-  Trung gian truyền bệnh chính là muỗi cái Aedes aegypti. Muỗi có thể theo các phương tiện giao thông di chuyển từ vùng này sang vùng khác, do đó bệnh sốt xuất huyết – Dengue lan truyền nhanh từ vùng này sang vùng khác trên diện rộng.


Sau khi muỗi hút máu người bệnh, siêu vi Dengue vào cơ thể muỗi và phát triển trong ống tiêu hóa và tuyến nước bọt, truyền sang người khác khi có cơ hội.


Mật độ muỗi vằn Aedes aegypti cao ở khu đông dân cư nơi có vệ sinh môi trường kém, những nơi bùn lầy nước đọng chung quanh nhà, hoặc các nơi ẩm thấp tối tăm trong nhà.

 

 

Hình 1: Vòng đời của muỗi

 

 

 

Hình 2: Muỗi Aedes aegypti


Đối tượng mắc bệnh?  

                                                                                     

Bệnh này thường xảy ra ở trẻ em tuổi từ 2-9 tuổi, càng lớn càng ít bị. Ðặc biệt, trẻ càng khỏe mạnh, bụ bẫm khi mắc bệnh dễ có khuynh hướng diễn tiến nặng.

 

 

 

Hình 3 - 4: Trẻ bị sốt xuất huyết

 

 

Biểu hiện dịch bệnh?


Biểu hiện nổi bật của sốt xuất huyết – Dengue là sốt, xuất huyết và sốc:


1. Sốt


Sốt cao 38 – 39oC, thậm chí 40 – 41oC, khởi phát đột ngột, liên tục kèm cảm giác lạnh, không có cơn run kiểu sốt rét. Kéo dài 2 – 7 ngày.


Kèm sốt là cảm giác nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn.


2. Xung huyết - xuất huyết:


    Xung huyết: niêm mạc mắt đỏ sậm, môi đỏ sậm, da mặt ửng đỏ hai bên má, tai.


    Mức độ xuất huyết có thể từ nhẹ nếu đơn thuần chỉ xuất huyết da niêm hoặc nặng xuất huyết cùng lúc ở nhiều vị trí hoặc cơ quan, vị trí thường gặp: Niêm mạc, da, tiêu hóa, tiết niệu, hiếm hơn là xuất huyết cơ và trụy tim mạch, dễ đưa đến tử vong nếu điều trị không kịp thời và không đúng mức.

     

    3. Sốc:


      Bị sốc với mạch nhanh, nhẹ; huyết áp giảm hoặc không đo được; chi lạnh, bứt rứt. Kèm theo một số triệu chứng không đặc hiệu như: chán ăn, đau cơ, đau khớp, đau bụng.


      Khi đã nghi ngờ người bệnh bị sốt xuất huyết thì cần phải đưa người bệnh đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

       


      Cách phòng chống bệnh sốt xuất huyết?


      1. Vị trí nguồn bệnh


        Trong nhà: Các dụng cụ trữ nước: Hồ nước, lu, khạp, thùng, xô… các vật dụng như lọ hoa, lư hương, chân tủ chén, ly nước cúng trên bàn thiên…


        Ngoài nhà: Ở tất cả các vật dụng có thể đọng nước như ao tù, vũng nước đọng, máng xối, ô văng nhà, hố gas thoát nước trên sân thượng. Các vật dụng phế thải đọng nước như mảnh vỡ tô, chén, gáo dừa, vỏ xe, hộp nhựa, bao nylon, lon, vỏ chai, vật chứa nước khác…

         

        2. Diệt nguồn bệnh


          Tại nơi công cộng và trong nhà: Dọn rác trên kênh rạch, khai thông dòng chảy; dọn dẹp và thiêu hủy các vật thải đọng nước.


          Tại gia đình: Hạn chế việc trữ nước. Nếu phải trữ nước, sử dụng dụng cụ chứa nước có nắp đậy thật kín. Úp các dụng cụ trữ nước không dùng đến, bỏ muối vào chén nước ở chân tủ chén. Thường xuyên dọn rác tại ô văng, máng xối, không để đọng nước.


           

           

          Hình 5: Công tác vệ sinh đường phố, phòng chống dịch bệnh

           

          Xem thêm thông tin về cách phòng chống bệnh sốt xuất huyết tại link: https://www.youtube.com/watch?v=x2SaY_bKzPA&feature=youtu.be

          Quốc Phong

          (Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh)