Kết quả đạt được

Liên kết website

Biến chứng mắt do bệnh đái tháo đường
Ngày đăng: 09/11/2011   |  
        

 

Bệnh đái tháo đường (tiểu đường) có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm ở nhiều cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là mắt. Trong đó, bệnh võng mạc tiểu đường là bệnh thường gặp nhất. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù và giảm chất lượng cuộc sống ở bệnh nhân đái tháo đường.


Bệnh võng mạc tiểu đường (VMTĐ) là gì?


Bệnh VMTĐ là bệnh do tổn thương ở võng mạc do bệnh đái tháo đường gây ra.


Võng mạc là gì ?


Mắt được cấu tạo bởi các phần phụ và nhãn cầu.


Các phần phụ bao gồm:


-  Mi mắt, lông mi để bảo vệ mắt


-  Các cơ vận nhãn để đưa mắt nhìn sang trái, sang phải, lên trên, xuống dưới


Nhãn cầu có hình cầu, 2/3 sau của nhãn cầu gồm có 3 lớp :


-  Lớp củng mạc: nằm ở ngoài cùng có tác dụng bảo vệ nhãn cầu


-  Lớp mạch máu: nằm ở giữa, nuôi dưỡng nhãn cầu


-  Lớp thần kinh: nằm ở trong cùng, còn gọi là lớp võng mạc hay đáy mắt, tức là phần mặt sau, bên trong của mắt, dùng để thấy mọi vật xung quanh


Diễn biến của bệnh VMTĐ?


Võng mạc được nuôi dưỡng chủ yếu bởi động mạch trung tâm võng mạc, động mạch trung tâm võng mạc phân chia thành những động mạch nhỏ. Những động mạch nhỏ này lại phân chia thành những động mạch nhỏ nữa như những nhánh cây, cuối cùng phân chia thành những mao mạch – đây chính là nơi các chất dinh dưỡng và oxy đi qua một cách chọn lọc để nuôi dưỡng võng mạc.


Đối với bệnh nhân tiểu đường, các mao mạch này giãn ra giống như tạo cái lỗ to ra. Những cái lỗ này sẽ để cho máu, các chất dịch, mỡ… đi qua thành mao mạch một cách không chọn lọc. Những chất không cần đi qua thì cũng chui vào võng mạc. Điều này làm cho võng mạc bị phù khiến cho mắt nhìn mờ.


Ngoài ra, bệnh võng mạc tiểu đường cũng làm giảm tốc độ hồng cầu, tăng khả năng kết tụ tiểu cầu, tăng độ quánh của máu… làm cho mao mạch dễ bị tắc, máu không đến được võng mạc gây ra thiếu máu võng mạc.


Võng mạc khi không được nuôi dưỡng đầy đủ sẽ sinh ra những mạch máu mới bất thường còn gọi là tân mạch. Vì là mạch máu bất thường nên chúng có thề vỡ và gây ra chảy máu trong mắt.


Bệnh VMTĐ có biểu hiện như thế nào?


Cũng giống như nhiều bệnh khác, bệnh VMTĐ diễn biến qua 2 giai đoạn:


-  Giai đoạn sớm: Tuỳ theo số lượng nhiều hay ít các mạch máu bị giãn ra mà võng mạc bị phù nặng hay nhẹ và tuỳ theo có phù ở vùng hoàng điểm (phần trung tâm của võng mạc, dùng để nhìn chi tiết các vật) hay không mà mắt có biểu hiện bị mờ hay chưa bị mờ. Cần lưu ý trong giai đoạn này, bệnh đã có tổn thương ở võng mạc dù cho mắt có biểu hiện mờ hay không.

 




-  Giai đoạn muộn: Các tân mạch có thể  vỡ ra và gây chảy máu trong mắt, làm cho bệnh nhân bị mờ mắt đột ngột.

 


    Võng mạc bình thường      
      Võng mạc biến chứng ở người bệnh đái tháo đường

 

Làm thế nào để phát hiện sớm bệnh VMTĐ?


Trong giai đoạn sớm của bệnh, có khi bệnh nhân chưa nhìn mờ hoặc nhìn mờ ít nhưng đã có những tổn thương ở võng mạc. Do đó, nếu biết mình bị đái tháo đường thì nên đến khám mắt ở bác sĩ chuyên khoa về đáy mắt. Bác sĩ sẽ soi đáy mắt để đánh giá tình trạng của võng mạc và có những biện pháp điều trị thích hợp.


Phòng ngừa bệnh VMTĐ bằng cách nào?


-  Ổn định đường huyết, huyết áp, mỡ trong máu trong giới hạn bình thường


-  Giảm và tiến tới ngưng hút thuốc lá, rượu bia


-  Tập thể dục thường xuyên


-  Phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường của thị lực


-  Tuân thủ theo việc tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ chuyên khoa đáy mắt và bác sĩ điều trị đái tháo đường


Các biện pháp nào đều trị hiệu quả bệnh VMTĐ hiện nay?


Tuỳ theo tổn thương ở võng mạc, tuỳ theo giai đoạn tiến triển của bệnh VMTĐ mà bệnh nhân được điều trị bằng những biện pháo khác nhau. Hiện nay có 3 phương pháp được dùng:


-  Điều trị bằng tia laser;


-  Điều trị bằng thuốc;


-  Điều trị bằng phẫu thuật.


Với các biện pháp điều trị như trên, kết hợp với việc bệnh nhân đến sớm, tuân thủ các biện pháp điều trị của bác sĩ chuyên khoa đáy mắt và bác sĩ điều trị bệnh đái tháo đường thì bệnh VMTĐ có khả năng điều trị được.


Tóm lại, bệnh đái tháo đường là một bệnh mạn tính nên điều quan trọng là bệnh nhân phải học cách sống chung với nó, hạn chế tối đa các biến chứng để nâng cao chất lượng cuộc sống của mình. Bệnh nhân đái tháo đường cần quan tâm nhiều hơn đến đôi mắt của mình, đừng chờ đợi mắt mờ mới đi khám mắt mà hãy khám mắt ngay khi biết mình bị bệnh đái tháo đường để phát hiện và điều trị bệnh sớm, tránh mù loà.


Khoa Thông tin Đào tạo

(Tổng hợp từ T4G – BS. Trần Huy Hoàng – BV Mắt TP.HCM)