Kết quả đạt được

Liên kết website

Cách phòng ngừa, phát hiện và điều trị bệnh loãng xương
Ngày đăng: 14/03/2012   |  
        

 

Loãng xương là một vấn đề y tế cộng đồng vì nó ảnh hưởng đến nhiều người, gây nhiều tổn hại đến sức khỏe và kinh tế. Loãng xương xảy ra ở cả hai giới nam và nữ.

 

Biến chứng của loãng xương là gãy xương. Gãy xương do loãng xương làm cho bệnh nhân mất khả năng vận động, mất khả năng sinh hoạt tối thiểu, trở nên tàn phế, phải sống phụ thuộc vào người khác và gia tăng nguy cơ tử vong. Tương tự như biến chứng của tăng huyết áp (đột quỵ và nhồi máu cơ tim) thì tỉ lệ tử vong do biến chứng của loãng xương (gãy xương cổ tay, gãy cổ xương đùi, gãy lún đốt sống…) là rất cao chiếm 30 - 50% trường hợp tử vong sau 01 năm.

 

Loãng xương là gì?


Loãng xương là rối loạn chuyển hóa của bộ xương làm tổn thương sức mạnh của xương đưa đến tăng nguy cơ gãy xương. Sức mạnh của xương được thể hiện bởi sự toàn vẹn cả về khối lượng và chất lượng của xương.

 

Khối lượng xương được thể hiện bằng:


-   Mật độ khoáng chất của xương (Bone Mineral Density – BMD);

 

-   Khối lượng xương (Bone Mass Content – BMC).

 

Chất lượng xương phụ thuộc vào:


-   Thể tích xương;

 

-   Vi cấu trúc của xương bao gồm: thành phần chất nền và chất khoáng của xương;

 

-   Chu chuyển xương (thể hiện tình hình sửa chữa và tình trạng tổn thương vi cấu trúc của xương).

 

 

 

Hình 1: Cấu trúc xương của người bình thường (trái) và người bị loãng xương (phải)

 

Loãng xương là một bệnh thường gặp ở người lớn tuổi, bệnh thường diễn tiến từ từ và thầm lặng. Do đó, người bị loãng xương thường không biết mình bị bệnh, cho đến khi bị biến chứng gãy xương.

 

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến loãng xương:


-   Tuổi tác: càng lớn tuổi càng dễ bị loãng xương.

 

-   Rối loạn về ăn uống: bệnh chán ăn do nguyên nhân thần kinh hoặc bệnh ăn nhiều là những yếu tố nguy cơ làm giảm tỷ trọng xương ở vùng thắt lưng và xương hông. Chế độ ăn không cung cấp đủ calcium hoặc do cơ thể hấp thu calcium kém.

 

-   Tiền sử gia đình: cha mẹ hay anh chị em trong nhà bị bệnh loãng xương thì các thành viên trong gia đình cũng dễ mắc bệnh, nhất là những người đã có tiền sử gãy xương.

 

-   Tầm vóc: người gầy gò hoặc nhỏ bé có nguy cơ cao hơn vì thường ít có dự trữ khối lượng xương để dùng khi có tuổi.

 

-   Thiểu năng tuyến sinh dục và một số tuyến nội tiết: giảm hormone sinh dục (testosterone, estrogen…) và hormone tăng trưởng (tuyến giáp, tuyến thượng thận)…

 

-   Uống quá nhiều rượu: rượu làm giảm tiến trình tạo xương và ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ calcium của cơ thể.

 

-   Hút thuốc lá: tỷ lệ bị gãy cột sống cao gấp đôi ở người nghiện thuốc và người không hút thuốc.

 

-   Lối sống ít hoạt động: không thường xuyên vận động gây nguy cơ bị loãng xương cao.

 

-   Tiền sử dụng thuốc: dùng corticosteroid kéo dài (do chữa bệnh, lạm dụng thuốc, lệ thuộc vào thuốc).

 

-   Rối loạn nội tiết: suy sinh dục, cường giáp, cường cận giáp, bệnh cushing (suy tuyến thượng thận).

 

-   Các bệnh mạn tính: một số bệnh làm giảm khả năng hấp thụ calcium hoặc ảnh hưởng xấu đến tỷ trọng xương. Những bệnh có thể tăng nguy cơ bị loãng xương gồm: đái tháo đường, bệnh thận, xơ gan, phổi mạn tính, bệnh khớp mạn tính…

 

-   Do ghép cơ quan. 


Biểu hiện của bệnh loãng xương:


Biểu hiện lâm sàng


-   Đau mỏi nhẹ ở cột sống, đau dọc các xương dài (đặc biệt xương cẳng chân), đau mỏi cơ bắp, ớn lạnh, hay bị chuột rút các cơ…

 

-   Đau nhiều ở cột sống, đau lan theo khoanh liên sườn, đau khi ngồi lâu, khi thay đổi tư thế. Có thể đau mạn tính hoặc cấp tính sau chấn thương.

 

-   Đầy bụng chậm tiêu, nặng ngực khó thở.

 

-   Gù lưng, giảm chiều cao.

 

 

 

Hình 2: Một trong các biểu hiện của bệnh loãng xương

 

Biểu hiện của bệnh khi có biến chứng gãy xương


-   Đau kéo dài do chèn ép thần kinh.

 

-   Gù vẹo cột sống, biến dạng lồng ngực.

 

-   Gãy xương (gãy 2 xương cổ tay, gãy lún đốt sống, gãy cổ xương đùi).

 

-   Giảm khả năng vận động, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sống của người bệnh.

 

Phòng ngừa bệnh loãng xương:


Tăng cường dinh dưỡng: bổ sung calcium, vitamin D. Đây là hai chất thiết yếu để tạo khối lượng xương khi còn trẻ và ngăn ngừa mất xương khi đã có tuổi.

 

Thường xuyên vận động: giúp tạo dự trữ calcium, tăng sự khéo léo, mạnh mẽ và sự cân bằng.

 

Không uống rượu quá nhiều vì giảm tạo xương và giảm hấp thụ calcium. Hạn chế cà phê, không hút thuốc lá vì đẩy nhanh quá trình tiêu xương.

 

Chủ động đi khám bệnh khi có các yếu tố nguy cơ để phát hiện bệnh sớm và điều trị thích hợp.

 

 

 

Hình 3: Các bước phòng tránh cơ bản

 

Điều trị loãng xương bằng cách nào?


Thay đổi lối sống là cách tốt nhất để điều trị loãng xương. Các biện pháp bao gồm: tăng cường vận động, bổ sung đầy đủ calcium và vitamin D, hạn chế rượu bia, hạn chế thuốc lá, tránh lạm dụng thuốc, tránh té ngã và điều chỉnh các bệnh lý mắc phải.

 

Hiện nay, bệnh loãng xương có thể được tầm soát bằng thiết bị đo ngoại vi. Việc chẩn đoán và điều trị loãng xương tại các bệnh viện đã có phương pháp.

 

Sớm phòng ngừa, sớm phát hiện và sớm điều trị sẽ giúp làm giảm nguy cơ bị gãy xương do loãng xương.




Quốc Phong.

(Trích nguồn T4G – PGS.TS.BS. Lê Anh Thư - Chủ tịch Hội loãng xương TP.HCM)