Kết quả đạt được

Liên kết website

Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới
Ngày đăng: 01/12/2017   |  
        

 

Ngày 25/10/2017 tại Hội nghị lần thứ VI của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Nghị quyết nêu rõ sau 25 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá VII và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân đã đạt được những kết quả to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, điển hình như: y tế dự phòng được tăng cường, ngăn chặn được các dịch bệnh nguy hiểm; các chỉ số sức khỏe, tuổi thọ bình quân được cải thiện. Tuy nhiên, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập do những nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu: Nhận thức về vai trò, vị trí của công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân có nơi, có lúc còn chưa đầy đủ, sâu sắc; Ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, thu nhập của người dân còn thấp, tiềm lực kinh tế chưa đủ mạnh, trong khi nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân ngày càng cao, đa dạng; yêu cầu đầu tư cho y tế lớn. Dược phẩm, thiết bị y tế chủ yếu phải nhập khẩu, theo mặt bằng giá quốc tế; Cơ chế, chính sách về bảo hiểm y tế, giá dịch vụ, tổ chức, biên chế,... còn thiếu đồng bộ.

Nghị quyết đưa ra quan điểm: Sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành Y tế là nòng cốt. Dựa trên quan điểm đó, Nghị quyết đề ra mục tiêu: Nâng cao sức khoẻ cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam. Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Phát triển nền y học khoa học, dân tộc và đại chúng. Bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khoẻ. Xây dựng đội ngũ cán bộ y tế "Thầy thuốc phải như mẹ hiền", có năng lực chuyên môn vững vàng, tiếp cận trình độ quốc tế. Nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi sản xuất, cung ứng dược phẩm, dịch vụ y tế. Cụ thể đến năm 2030: Tuổi thọ trung bình khoảng 75 tuổi; Tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế trên 95% dân s; Cơ bản chấm dứt các dịch bệnh AIDS, lao và loại trừ sốt rét,…

Để đạt được những mục tiêu đề ra, Nghị quyết đã xây dựng nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như sau:

1.    Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và của toàn xã hội trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân: Phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng đối với từng ngành, từng cơ quan, đoàn thể trong thực hiện các mục tiêu, giải pháp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ, trước hết là trong bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, rèn luyện thân thể, xây dựng nếp sống văn minh, tham gia bảo hiểm y tế toàn dân và thực hiện các quy định về phòng dịch, phòng và chữa bệnh; Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, các phong trào thi đua, các cuộc vận động có các nội dung, tiêu chí liên quan tới công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ.

2.    Nâng cao sức khoẻ nhân dân: Khuyến nghị, phổ biến chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn phù hợp cho từng nhóm đối tượng, nguồn nguyên liệu, khẩu vị của người Việt; Khẩn trương hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, thực hiện việc kiểm soát an toàn thực phẩm; Thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm thiểu ảnh hưởng xấu từ ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu tới sức khoẻ; Tăng cường tuyên truyền, vận động xây dựng nếp sống văn minh, lối sống lành mạnh, vệ sinh,…

3.    Nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở: Tăng nguồn lực trong nước cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, bệnh lao, bệnh sốt rét; Phát triển y học gia đình; Triển khai đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý trạm y tế, tiêm chủng, quản lý bệnh tật, hồ sơ sức khoẻ người dân gắn với quản lý thẻ, thanh toán bảo hiểm y tế; Thiết lập hệ thống sổ sức khoẻ điện tử đến từng người dân;

4.    Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, khắc phục căn bản tình trạng quá tải bệnh viện: Hoàn thiện hệ thống phác đồ, quy trình, hướng dẫn điều trị thống nhất trong cả nước; Thực hiện lộ trình thông tuyến khám, chữa bệnh; lộ trình liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm, giữa các cơ sở khám, chữa bệnh gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ và có chính sách khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ ngay tại tuyến dưới;…

5.    Đẩy mạnh phát triển ngành Dược và thiết bị y tế: Tăng cường đấu thầu tập trung, giảm giá thuốc, thiết bị, hoá chất, vật tư y tế, bảo đảm công khai, minh bạch; Quản lý chặt chẽ nhập khẩu thuốc; Nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất thuốc, vắc xin; Đẩy mạnh nghiên cứu, kiểm nghiệm, chứng minh tác dụng của các phương thức chẩn trị, điều trị không dùng thuốc, các bài thuốc, vị thuốc y học cổ truyền,…

6.    Phát triển nhân lực và khoa học - công nghệ y tế: Đổi mới căn bản, toàn diện công tác đào tạo nhân lực y tế, đáp ứng yêu cầu cả về y đức và chuyên môn trong điều kiện chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học - công nghệ y tế, dược, y sinh học. Đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến, phát triển đội ngũ cán bộ chuyên ngành thiết bị y tế; Tăng cường bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ y tế,…

7.    Đổi mới hệ thống quản lý và cung cấp dịch vụ y tế: Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống tổ chức y tế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và hội nhập quốc tế; Tiếp tục sắp xếp các trung tâm, đơn vị làm nhiệm vụ y tế dự phòng cấp tỉnh và Trung ương, hình thành hệ thống trung tâm kiểm soát dịch bệnh đồng bộ ở tất cả các cấp và kết nối với mạng lưới kiểm soát bệnh tật thế giới; Sắp xếp lại các đơn vị làm nhiệm vụ kiểm nghiệm, kiểm định để hình thành hệ thống cơ quan kiểm soát dược phẩm và thực phẩm, thiết bị y tế phù hợp, hội nhập quốc tế,…

8.    Đổi mới mạnh mẽ tài chính y tế: Tập trung ngân sách nhà nước cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, bệnh viện ở vùng khó khăn, biên giới, hải đảo, các lĩnh vực phong, lao, tâm thần,…; Triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân; Điều chỉnh mức đóng phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, thu nhập của người dân và chất lượng dịch vụ,…

9.    Chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế: Tăng cường hợp tác và chủ động hội nhập, tranh thủ hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo và tài chính của các nước, các tổ chức quốc tế; Hài hoà hoá các thủ tục, quy trình với ASEAN và thế giới về y tế,…

Về tổ chức thực hiện, Nghị quyết giao Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân, phối hợp với các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn và các đảng uỷ trực thuộc Trung ương thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết, định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư kết quả thực hiện Nghị quyết. Tăng cường hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội đối với lĩnh vực này; Các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch với các nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ để thực hiện Nghị quyết; Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Y tế, Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về nội dung và kết quả thực hiện Nghị quyết.

                                                                                                                  Trâm Lê

 (Trích Công văn CV 570-BS/VPTU)