Kết quả đạt được

Liên kết website

Phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em
Ngày đăng: 30/11/2017   |  
        

 

Tai nạn thương tích (TNTT) là một tai nạn xảy ra bất ngờ, khó lường trước và gây ra những thương tổn mọi lúc, mọi nơi nhất là ở lứa tuổi trẻ em. Vì ở lứa tuổi này, các em thường hiếu động, thích tò mò, nghịch ngợm và chưa có kiến thức cũng như kỹ năng phòng, tránh nên rất dễ bị TNTT. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNTT như: do tai nạn giao thông, do đuối nước, do bạo lực, do bỏng,…

Ø  Các yếu tố nguy cơ gây ra TNTT

·  Yếu tố xã hội

Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi vùng, miền, mỗi quốc gia có những đặc điểm về yếu tố nguy cơ gây TNTT khác nhau. TNTT thường xảy ra ở các nước đang phát triển do sự gia tăng cơ giới hóa về giao thông, đô thị hóa và sự thay đổi công nghệ; hoặc ở vùng quê do có nhiều hệ thống sông ngòi, kênh, rạch,…

·  Yếu tố con người

TNTT phụ thuộc vào các yếu tố: giới tính, tuổi tác, nhận thức hành vi, tình trạng sức khỏe sử dụng rượu bia, các chất kích thích khác,…

·  Yếu tố môi trường

- Môi trường vật chất:

+ Các yếu tố nguy cơ thường gặp ở nhà: ổ cắm, cầu dao, vật sắc nhọn (dao, kéo,…), thuốc trừ sâu,…

+ Các yếu tố nguy cơ thường gặp ở trường: bàn ghế hư hỏng chưa sửa chữa kịp, ngã do chạy nhảy, đùa nghịch, thức ăn không đảm bảo an toàn thực phẩm,...

+ Các yếu tố nguy cơ ngoài cộng đồng: nhiều ao hồ, cơ sở hạ tầng, đường giao thông không đảm bảo,…

- Môi trường phi vật chất:

+ Văn bản pháp luật liên quan đến an toàn chưa đồng bộ;

+ Việc thực thi các quy định, luật an toàn chưa tốt; chưa kiểm tra, giám sát, chưa có biện pháp rõ ràng;

+ Giáo dục về an toàn còn chưa thực hiện đầy đủ, nhận thức của mọi người về phòng chống TNTT trẻ em còn hạn chế,…

Ø  Phòng chống TNTT

- Phương pháp chủ động: phương pháp này đòi hỏi có sự tham gia và hợp tác của cá nhân cần được bảo vệ nên hiệu quả của việc phòng ngừa chủ động phụ thuộc vào bản thân người cần được bảo vệ có sử dụng đúng các biện pháp phòng ngừa hay không. Mục đích của phương pháp này là làm thay đổi hành vi của cá nhân như đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, thắt dây an toàn khi đi xe ô tô, không được chơi với lửa, dạy bơi cho trẻ,...

- Phương pháp thụ động: là phương pháp có hiệu quả nhất trong kiểm soát TNTT ở trẻ em. Biện pháp này không đòi hỏi phải có sự tham gia của cá nhân cần được bảo vệ, tác dụng phòng ngừa, bảo vệ đã được thiết kế để cá nhân tự động được bảo vệ. Mục đích của phương pháp này là thay đổi môi trường hay phương tiện của người sử dụng như phân tuyến đường giao thông, để các nguồn sinh ra nhiệt xa tầm tay trẻ em, xây rào chắn xung quanh ao, hồ,...

Vì vậy, để bảo vệ trẻ em khỏi TNTT, chúng ta cần phải thực hiện tốt công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống TNTT cho trẻ em; đồng thời, huy động sự tham gia của cộng đồng và các tổ chức xã hội trong hoạt động truyền thông này.

                                      Công Danh 

 

Tập tin Tiếng Việt:

Các tin khác cialis