Kết quả đạt được

Liên kết website

Bệnh đục thuỷ tinh thể
Ngày đăng: 15/08/2018   |  
        
  

Theo WHO (World Health Organization – Tổ chức Y tế Thế giới), bệnh đục thủy tinh thể là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa.

Bệnh đục thủy tinh thể là gì?

Đục thủy tinh thể là hiện tượng đục mờ thủy tinh thể. Thủy tinh thể giống như một thấu kính hội tụ giúp ánh sáng sau khi đi qua võng mạc được hội tụ tại giác mạc. Thủy tinh thể được cấu tạo chủ yếu từ nước, protein và một số chất hóa học khác. Ngoài nhiệm vụ hội tụ ánh sáng, thủy tinh thể còn có nhiệm vụ điều tiết (phồng lên hay xẹp xuống) giúp mắt nhìn xa hoặc nhìn gần rõ nét.

Dần theo tuổi tác, các chất protein này sẽ kết đám và cản trở đường đi của ánh sáng. Khi thủy tinh thể bị đục càng nhiều, càng khó có thể nhìn rõ.

 
Hình 1: Sự khác biệt giữa mắt bình thường và mắt bị đục thủy tinh thể

Triệu chứng của bệnh đục thủy tinh thể

Đục thủy tinh thể thường tiến triển chậm, không gây đau đớn, người bệnh sẽ không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu hoặc những thay đổi nào ở giai đoạn đầu. Khi đục thủy tinh thể tiến triển, có thể nhận thấy xuất hiện các dấu hiệu như:

– Mắt nhìn mờ, khó nhìn, nhanh mỏi mắt khi tập trung xem tivi hoặc đọc sách báo.

– Tăng nhạy cảm với ánh sáng, lóe sáng, quáng gà, nơi râm mát nhìn rõ hơn ngoài nắng.

– Nhìn thấy nhòe, cảm giác có “hào quang” xung quanh, màn sương che phủ trước mắt

– Nhìn một vật thành hai (còn gọi song thị) hoặc ba hình ảnh khác

– Hiện tượng ruồi bay, chấm đen, đốm đen xuất hiện trước mắt.

 Một số trường hợp, người bệnh sẽ bị đục thủy tinh thể lệch, nghĩa là bệnh phát triển trước ở một mắt, trong khi mắt còn lại có tầm nhìn bình thường. Theo thời gian, bệnh có xu hướng tiến triển sang mắt thứ 2, gây ra các triệu chứng nhìn mờ tương tự.

Tuy nhiên, không phải ai cũng chấp nhận việc thay thủy tinh thể cả hai mắt, đã có rất nhiều người dù có phẫu thuật một mắt nhưng khi tìm được đúng giải pháp hỗ trợ điều trị chuyên biệt, không những mắt hết mờ nhòe, ruồi bay mà họ còn trì hoãn được nguy cơ đục thủy tinh thể ở mắt còn lại, tránh phải phẫu thuật lần hai.

 
Hình 2: Các hình thái đục thủy tinh thể

Nguyên nhân gây nên bệnh đục thủy tinh thể

– Đục thủy tinh thể do tuổi tác: là nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực ở người có tuổi bởi khi bước qua tuổi trung niên, những sự thay đổi có thể xảy ra trong cấu trúc protein thủy tinh thể dẫn đến đục thể thủy tinh

– Đục thủy tinh thể do chấn thương: một số chấn thương có thể dẫn đến sự hình thành đục thủy tinh thể ngay lặp tức hoặc sau nhiều năm. Chấn thương đụng dập do vật tù, làm cho mắt cùng lúc bị ép ngắn lại theo trục dọc (trước ra sau) và phình ra hai bên theo trục ngang của nhãn cầu. Tác động này có thể dẫn đến vỡ hoặc rách bao trước, bao sau thủy tinh thể, vòng Zinn, làm tổn hại đến thủy tinh thể, vỡ các mạch máu mống mắt gây xuất huyết tiền phòng. Thủy tinh thể bị tổn thương sẽ mất tính trong suốt và trở nên đục.

– Đục thủy tinh thể bẩm sinh: xuất hiện ngay từ khi trẻ mới sinh ra. Căn nguyên thường được nhắc đến của đục thể thuỷ tinh nhóm này là di truyền hoặc do bệnh của phôi trong trong giai đoạn đầu thai kỳ, do thuốc, tia xạ, nhiễm khuẩn (cúm, quai bị, herpes, rubeon…).

– Các nguyên nhân thứ phát: căn bệnh như đái tháo đường cũng có thể biến chứng thành đục thủy tinh thể vì hàm lượng sorbitol dư thừa (một loại đường hình thành từ glucose), tạo thành cặn trong thủy tinh thể. Sử dụng lâu dài một số thuốc như corticoid (nhỏ cũng như uống), thuốc hạ mỡ máu, thuốc chống loạn nhịp tim, thuốc trầm cảm cũng có thể làm tăng nguy cơ đục thủy tinh thể.

– Các nguyên nhân khác: bao gồm mắt tiếp xúc quá nhiều với tia UV (tia cực tím), tia X và bức xạ khác trong lúc xạ trị. Tia UV trong ánh nắng mặt trời là tác nhân tấn công trực tiếp làm biến đổi cấu trúc, tỷ lệ các thành phần các protein của thủy tinh thể, gây đục thủy tinh thể.

Rối loạn dinh dưỡng, tiêu chảy mất nước, thiếu hụt các yếu tố chống oxy hoá, hút thuốc, uống rượu cũng là những yếu tố phối hợp quan trọng.

Điều trị đục thủy tinh thể

Đối với đục thủy tinh thể giai đoạn sớm, người bệnh có thể cho đeo kính, dùng kính lúp hoặc làm việc ở khu vực chiếu sáng tốt để đảm bảo thị lực mắt.

Khi bệnh đã nặng hơn, xuất hiện các triệu chứng như thị lực giảm nhiều, nhìn xa kém, thấy chấm đen trước mắt, nhìn màu không chuẩn, lóa mắt khi gặp ánh sáng cường độ mạnh, làm ảnh hưởng cuộc sống của người bệnh thì nên tiến hành phẫu thuật Phaco nhằm lấy thủy tinh thể bị đục và đặt một thấu kính được coi như thủy tinh thể nhân tạo để thay thế thủy tinh thể bị đục.

Phẫu thuật Phaco là một phương pháp điều trị đục thủy tinh thể tiên tiến, với thời gian phẫu thuật được rút ngắn, hiệu quả, hầu hết các bệnh nhân thực hiện phẫu thuật này có thể về ngay trong ngày với tỷ lệ thành công cao. 

 
Hình 3: Các bước trong phương pháp phẫu thuật Phaco

Phương pháp Phaco sử dụng thiết bị siêu âm để tán nhuyễn thành từng mảnh nhỏ và hút thủy tinh thể đục (hạt cườm) ra ngoài nhằm cải thiện thị lực. Sau khi lấy hết chất nhân đục, một thấu kính nội nhãn phù hợp với mắt được đặt vĩnh viễn trong bao để thay thế thủy tinh thể tự nhiên của mắt đã được lấy đi trong quá trình phẫu thuật. Thấu kính này làm bằng chất dẻo, mềm, được cuộn lại bên trong một ống dẫn, rỗng, nhỏ và đưa vào mắt, thấu kính tự bung mở ra bên trong mắt và được các bác sĩ chỉnh nằm ngay trung tâm của bao sau thủy tinh thể. Thuốc nhỏ mắt kháng sinh và steroid được dùng để giảm viêm, ngăn ngừa nhiễm trùng trong thời gian đầu sau phẫu thuật.

Cách phòng ngừa bệnh đục thủy tinh thể

Bệnh đục thủy tinh thể được điều trị bằng phẫu thuật cho kết quả tốt nhưng không phải lúc nào cũng đảm bảo kết quả và đủ điều kiện để mổ. Điều quan trọng là phải biết phòng ngừa đục thủy tinh thể từ những nguyên nhân gây bệnh đã xác định được.

Khám mắt thường xuyên. Khám mắt thường xuyên có thể giúp phát hiện đục thủy tinh thể và các vấn đề về mắt khác ở các giai đoạn sớm nhất.

Điều trị và kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường. Thực hiện đúng chế độ ăn kiêng nếu bị đái tháo đường, kiểm soát tốt đường huyết. Điều trị sớm các bệnh tại mắt như bệnh thiên đầu thống, viêm màng bồ đào.

Chế độ ăn uống lành mạnh. Chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa và chức năng gan tốt sẽ có tác dụng giúp phòng ngừa bệnh. Người bị đục thủy tinh thể có khuynh hướng thiếu vitamin C, đồng, mangan, kẽm. Beta-carotene giúp “dọn dẹp” tốt các gốc tự do - một tác nhân gây tổn hại mắt, bảo vệ mắt không bị những tổn thương liên quan đến ánh sáng. Còn taurin là một acid amin chính trong thủy tinh thể, có khả năng làm chậm sự khởi phát của bệnh. Hạn chế sử dụng tảo, thực vật biển, sò ốc, sản phẩm từ sữa ít béo, chocolate, vì đây là những nguồn chứa vanadium vốn độc hại cho mắt.

Hạn chế các yếu tố nguy cơ khác. Ánh sáng tia cực tím từ mặt trời có thể góp phần vào sự phát triển của đục thủy tinh thể. Đeo kính râm chặn tia cực tím khi đang ở ngoài trời. Không hút thuốc lá, hạn chế bia rượu.

                                                                                                                            

                                                                                                                Thiên Chương

                                                                                                                    (Tổng hợp)