Kết quả đạt được

Liên kết website

Nước sạch và vệ sinh môi trường
Ngày đăng: 18/05/2012   |  
        

 

Ngày nay, với sự gia tăng nhanh về dân số, tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng đã làm tăng sự ô nhiễm nước, gây thiếu nước, cạn kiệt nguồn nước và ô nhiễm môi trường. Các hoạt động xả rác thải, nước thải, chất thải nếu không xử lý hoặc xử lý nước không đúng cách sẽ gây ô nhiễm nước và môi trường gây ảnh hường đến sức khỏe con người.


Tuần lễ Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường diễn ra từ ngày 29-4 đến 06-5 hàng năm cùng với Ngày nước sạch thế giới (22-3) và ngày Môi trường thế giới (05-6) từ lâu đã trở thành phong trào sâu rộng trong cả nước với các hoạt động bảo vệ môi trường, giữ gìn và bảo vệ nguồn nước sạch.


Thế nào là nước sạch?


Nước được gọi là sạch khi nước trong, không màu, không mùi vị lạ, không chứa các mầm bệnh, các chất độc hại và các vi khuẩn gây bệnh.


Nước sạch phải đạt 22 tiêu chuẩn vệ sinh theo Quyết Định số 09/2005/QĐ-BYT ngày 11/3/2005 do Bộ Y Tế ban hành về Tiêu chuẩn vệ sinh nước sạch.

 

 

Bảng Tiêu chuẩn vệ sinh nước sạch do Bộ Y Tế ban hành

 

Nguồn nước nhiễm bẩn ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?


Nước và môi trường bị ô nhiễm trực tiếp hoặc gián tiếp làm lan truyền mầm bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe con người:


-     Nhóm các bệnh do vi sinh vật gây các bệnh về đường tiêu hóa (tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A,…), bệnh ngoài da, phụ khoa, bệnh về mắt…


-     Nhóm các bệnh do ký sinh trùng gây ra như: giun, sán…


-     Nhóm các bệnh do côn trùng như: sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não…


-     Nhóm các bệnh do kim loại nặng hoặc độc tố sẽ gây bệnh về da (Asen), gan (đồng), hệ thần kinh (thủy ngân, chì), nồng độ cao có thể gây ngộ độc. Độc tính của hóa chất có tính tích lũy gây ra các bệnh mạn tính…


Bên cạnh nước và môi trường bị ô nhiễm do các hoạt động sản xuất và sinh hoạt hàng ngày của con người, việc xử lý rác thải y tế (bao gồm chất thải lỏng và chất thải rắn) không đúng cách cũng có thể trực tiếp ảnh hưởng tức khắc lên sức khỏe con người và gây ra dịch bệnh.


Giữ gìn vệ sinh môi trường trong cộng đồng dân cư


- Thường xuyên tham gia dọn vệ sinh, phát hoang cỏ dại xung quanh nơi ở.


- Giữ gìn vệ sinh nhà cửa thông thoáng, ngăn nắp, sạch đẹp.


- Phân loại, tách riêng các loại rác có thể tái chế (nylon, nhựa, giấy báo, chai lọ...).


- Chứa rác trong thùng rác có nắp đậy và đổ rác đúng quy định.


- Không đổ dầu nhớt, sơn, hoá chất độc hại... vào cống thoát nước.


- Vận động nhiều người khác cùng tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường…


Giữ gìn vệ sinh môi trường và không lãng phí nước sạch là biện pháp tốt nhất để giữ gìn và bảo vệ nguồn nước sạch vì cuộc sống xanh - sạch - đẹp - văn minh.

 

 

Minh Anh.

(Tổng hợp)