Kết quả đạt được

Liên kết website

Công văn số 7098/SYT-NVY của Sở Y tế Tp.HCM về việc tăng cường công tác quản lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế trên địa bàn
Ngày đăng: 07/12/2018   |  
        

 

      Quản lý chất thải y tế hiện đang là vấn đề cấp thiết đối với Ngành y, lượng chất thải y tế phát sinh từ các hoạt động khám chữa bệnh ngày càng tăng, nếu không được xử lý tốt, chất thải sẽ thoát ra môi trường trở thành nguồn gây bệnh, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe con người. Nhằm mục đích đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý chất thải y tế cũng như nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ môi trường, ngày 05/11/2018 Sở Y tế Tp.HCM đã ban hành công văn số 7098/SYT-NVY về việc tăng cường công tác quản lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố, các nhiệm vụ cần lưu ý thực hiện như sau:

1. Đối với công tác quản lý chất thải rắn y tế

      -  Xây dựng quy trình phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế phù hợp với đơn vị. Phân công cán bộ phụ trách, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện, đặt camera giám sát, đảm bảo chất thải y tế được xử lý theo quy định;

      -  Cử nhân sự tham gia các lớp đào tạo quản lý chất thải y tế, tăng cường công tác tập huấn, phổ biến các quy định về quản lý chất thải y tế, bảo vệ môi trường tại đơn vị;

      -  Thực hiện phân loại, thu gom chất thải y tế có khả năng tái chế theo quy định để giảm thiểu trong xử lý rác tại cơ sở y tế, ký hợp đồng chuyển giao với các đơn vị có chức năng xử lý;

2. Công tác quản lý chất thải lỏng y tế

      -  Thực hiện đầy đủ chế độ bảo dưỡng, bảo trì định kỳ hệ thống xử lý nước thải theo quy định (*);

      -  Kiểm tra, rà soát hệ thống cấp thoát nước, đảm bảo lượng nước đầu vào và lượng nước đầu ra nằm trong giới hạn quy định (20%). Trường hợp phát hiện lượng nước bi thất thoát vượt quá giới hạn (>20%) thì phải có kế hoạch khắc phục;

      -  Đối với các đơn vị có dự án đầu tư hệ thống xử lý nước thải: Khẩn trương, tập trung giải quyết, đảm bảo đúng tiến độ dự án. Có chế độ báo cáo tiến độ thực hiện gửi Sở Y tế (các đơn vị thuộc Bộ, ngành thực hiện báo cáo gửi đơn vị chủ quản, đồng thời có báo cáo gửi Sở Y tế);

      -  Có kế hoạch, giải pháp khắc phục các tồn tại của hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo nước thải đầu ra đạt chuẩn môi trường quy định;

      -  Đối với đơn vị có công suất hệ thống xử lý nước thải từ 1.000m3/ngày.đêm trở lên theo quy định(*) phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục để theo dõi. Đề nghị liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn thực hiện.

3.  Đề nghị các phòng y tế 24 quận, huyện nhắc nhở các cơ sở y tế tư nhân (phòng khám, phòng xét nghiệm,…) trên địa bàn quản lý: Thực hiện công tác quản lý chất thải y tế theo quy định tại Thông tư Liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài Nguyên và Môi trường về quản lý chất thải y tế (lưu ý các điều 4, 5, 6, 7, 8, 10, 14, 15, 16 của Thông tư Liên tịch số 58/2015); đối với các cơ sở y tế trong quá trình hoạt động có phát sinh nước thải y tế (xét nghiệm, phẩu thuật thẩm mỹ, răng hàm mặt, tai mũi họng, sản phụ khoa – kế hoạch hóa gia đình, thực hiện nội soi,…) phải thực hiện xử lý nước thải y tế theo quy dịnh, đảm bảo hoàn thành trong năm 2019;

4.  Giao Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố kiểm tra, giám sát công tác quản lý chất thải y tế của các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố. Hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở y tế thực hiện hoàn chỉnh các hồ sơ về môi trường theo quy định. Báo cáo Sở Y tế kết quả thực hiện.

 (*) Thông tư 31/2016/TT-BTNMT

      Sở Y tế đề nghị các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố nghiêm túc thực hiện công tác quản lý chất thải y tế tại đơn vị. Trường hợp phát hiện có vi phạm pháp luật trong công tác quản lý chất thải y tế, Sở Y tế sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý theo quy định.

Thanh Sơn