Kết quả đạt được

Liên kết website

Bộ Y tế ban hành Thông tư số 45/2015/TT-BYT Quy định về trang phục y tế.
Ngày đăng: 24/12/2015   |  
        

 

Ngày 30/11/2015, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 45/2015/TT-BYT Quy định về trang phục y tế. Thông tư này nêu rõ các tiêu chuẩn về màu sắc, chất liệu, kiểu dáng trang phục y tế của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, người lao động, học sinh, sinh viên tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, người bệnh, sản phụ, người nhà người bệnh (người trực tiếp chăm sóc người bệnh), người đến thăm, làm việc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và việc quản lý, sử dụng trang phục y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

1.  Đối tượng áp dụng:

-   Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân trên toàn quốc;

-   Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, người lao động, học sinh, sinh viên tại các cơ sở khám bệnh, người bệnh, sản phụ, người nhà người bệnh, người đến thăm, làm việc, người tình nguyện hỗ trợ người bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

-   Các cơ sở y tế khác tùy điều kiện, tính chất công việc, yêu cầu chuyên môn có thể sử dụng trang phục y tế phù hợp trên cơ sở quy định tại Thông tư này.

2.   Quy định chung đối với trang phục y tế:

-   Trang phục y tế bao gồm: Áo, quần, áo liền váy, chân váy, giày, dép, mũ và biển tên.

-   Tiêu chí của trang phục y tế:

    +   Đảm bảo an toàn cho người bệnh, người sử dụng;

    +   Thuận tiện khi mặc, khi thao tác chuyên môn;

    +   Mang tính truyền thống, đặc trưng ngành y tế;

    +   Nguyên liệu đảm bảo ít nhăn, dễ giặt, dễ là ủi, dễ khử khuẩn, thấm mồ hôi và phù hợp với khí hậu;

    +   Kiểu dáng và màu sắc hài hòa, thân thiện, đơn giản, hiện đại, lịch sự, trang nhã, kín đáo, bảo đảm tính thẩm mỹ, phù hợp với công việc và nghề nghiệp;

    +   Đảm bảo nhận biết rõ các đối tượng sử dụng và các khu vực chuyên môn khác nhau.

    +   Trang phục y tế không được có biểu tượng Chữ thập đỏ trái quy định của pháp luật về hoạt động Chữ thập đỏ.

Ngoài ra, Thông tư còn quy định chi tiết về các trang phục khác của người hành nghề khám bệnh như găng tay, khẩu trang, giầy dép, biển tên của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, người lao động, thẻ học sinh, sinh viên, khách đến thăm, làm việc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; các quy định về quản lý, sử dụng và bảo quản trang phục y tế.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.

Bãi bỏ quyết định số 2365/2004/QĐ-BYT ngày 08 tháng 7 năm 2004 của Bộ Y tế về việc ban hành quy chế trang phục y tế kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

Trang phục y tế đã được ký hợp đồng và may xong; trang phục y tế đã được trang bị cho người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, người lao động và các đối tượng khác tại cơ sở khám chữa bệnh trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực mà không theo đúng quy cách trang phục y tế quy định tại Thông tư này được tiếp tục sử dụng sau khi Thông tư này có hiệu lực nhưng không quá 24 tháng kể từ thời điểm cấp phát, trang bị cho người sử dụng.

 

Thanh Hiền