Kết quả đạt được

Liên kết website

Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư liên tịch số 58/TTLT-BYT-BTNMT Quy định về quản lý chất thải y tế.
Ngày đăng: 28/04/2016   |  
        

 

Với mục tiêu phát triển bền vững, hiện nay, nhiều quốc gia rất quan tâm đến vấn đề môi trường, vì vậy, việc ban hành chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường và các luật khác có liên quan đến công tác bảo vệ môi trường là điều tất yếu khách quan, là công cụ quản lý, điều hành việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường cũng như việc quản lý chất thải nhằm phòng chống ô nhiễm môi trường.       

Tại Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường đầu tiên được Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ Tư thông qua ngày 27/12/1993 (Luật Bảo vệ môi trường năm 1993) được coi là một dấu mốc lịch sử, một bước ngoặt trong nhận thức, tổ chức và hoạt động bảo vệ môi trường ở Việt Nam, những quan điểm và chính sách cơ bản về bảo vệ môi trường đã được luật hóa. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, những tác động và nhận thức đối với môi trường đã đặt ra những yêu cầu mới về tổ chức và hoạt động bảo vệ môi trường; Vì vậy, nhằm cải thiện hơn nữa hệ thống pháp luật liên quan đến môi trường, Chính phủ đã nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và ban hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2005.

Sau gần 10 năm thi hành, Luật bảo vệ môi trường năm 2005 đã đạt được kết quả đáng khích lệ như: hệ thống chính sách, pháp luật và tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đã được hình thành tương đối đồng bộ và ngày càng hoàn thiện; công tác phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm được thúc đẩy đã góp phần kiềm chế, làm chậm lại tốc độ gia tăng ô nhiễm môi trường,… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được còn có những tồn tại, bất cập do mức độ tăng dân số, kinh tế - xã hội phát triển, đất nước ngày càng công nghiệp hóa – hiện đại hóa, tác động của biến đổi khí hậu, an ninh môi trường, an ninh sinh thái đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường đòi hỏi pháp luật về bảo vệ môi trường phải được cập nhật, bổ sung với các giải pháp đồng bộ và đủ mạnh.

Trên cơ sở kế thừa và phát huy những thành công trong công tác bảo vệ môi trường từ những năm qua, Luật bảo vệ môi trường năm 2014 ra đời ngày 26/3/2014 được xem là bước tiến quan trọng để nước ta tiếp tục nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường giai đoạn mới.

Song song với công tác tổ chức thực hiện Luật bảo vệ môi trường, nhà nước đã xây dựng và ban hành nhiều Luật và văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Trong đó, có nhiều Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật tạo nên một hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về môi trường ngày càng được cụ thể hóa với hàng trăm văn bản hướng dẫn cụ thể (Nghị định, Thông tư,… ) nhằm điều chỉnh các lĩnh vực bảo vệ môi trường như kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất thải, quản lý môi trường biển và hải đảo,… Trong đó, có Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý chất thải và phế liệu. 

Nghị định số 38/2015/NĐ-CP này quy định về: Quản lý chất thải bao gồm chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, sản phẩm thải lỏng, nước thải, khí thải công nghiệp và các chất thải đặc thù khác; bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu. Việc quản lý chất thải từ hoạt động y tế được quy định tại Điều 49 Nghị định này. Trong đó, việc phân loại, lưu giữ, quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên các cơ sở y tế và chất thải phát sinh từ hoạt động mai táng, hỏa táng cũng như việc vận chuyển và xử lý chất thải y tế được quy định tại Khoản 6, Khoản 7 – Điều 49.

Do đó, để quy định chi tiết Khoản 6, Khoản 7 – Điều 49 Nghị định 38/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên Môi trường đã ban hành Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT Quy định về quản lý chất thải y tế. Thông tư có hiệu lực sẽ thay thế cho Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT ngày 30/11/2007 Quy định Quy chế Quản lý chất thải y tế.

Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT bao gồm 05 chương, 27 điều, 08 phụ lục. Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/4/2016.

Theo đó, Thông tư này quy định xuyên suốt quá trình quản lý chất thải y tế từ khâu phát sinh đến xử lý chất thải y tế và các mô hình xử lý chất thải y tế phù hợp. Thông tư cũng quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác quản lý chất thải y tế. Theo đó, chất thải lây nhiễm sau khi xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường được quản lý như chất thải y tế thông thường; bao bì lưu chứa chất thải phải được buộc kín và có biểu tượng chất thải tái chế theo quy định tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này.

Thông tư cũng ưu tiên lựa chọn các công nghệ không đốt, thân thiện với môi trường và bảo đảm xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành; xử lý tại cơ sở xử lý chất thải y tế nguy hại tập trung hoặc tại cơ sở xử lý chất thải nguy hại tập trung có hạng mục xử lý chất thải y tế; xử lý chất thải y tế nguy hại theo mô hình cụm cơ sở y tế (chất thải y tế của một cụm cơ sở y tế được thu gom và xử lý chung tại hệ thống, thiết bị xử lý của một cơ sở trong cụm).

Như vậy, sự ra đời của Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT đã tháo gỡ được những khó khăn trong công tác quản lý chất thải y tế, đặc biệt là đối với việc xử lý chất thải theo mô hình cụm và việc quản lý chất thải tại các cơ sở quy mô nhỏ.

Yến Minh + Mỹ Lan
Đính kèmThông tư số 58/TTLT-BYT-BTNMT. 

Tập tin Tiếng Việt:

Các tin khác