Kết quả đạt được

Liên kết website

Quy định về xử phạt hành chính liên quan đến rượu, bia
Ngày đăng: 19/06/2024   |  
        

 

Rượu bia được sử dụng rộng rãi ở khắp mọi nơi và gây ra nhiều hậu quả khó lường đối với sức khỏe như ảnh hưởng đến hệ thần kinh, tim mạch, gây ung thư,… Ngoài những tác hại đối với sức khỏe, rượu bia còn là căn nguyên của nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng khác như: tai nạn giao thông, bạo lực, giảm khả năng lao động, học tập, phá hỏng các mối quan hệ xã hội và tăng nguy cơ phạm tội.

Nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, phòng chống những nguy cơ bệnh tật và tai nạn nguy hiểm do sử dụng rượu bia, Nhà nước đã đưa ra Luật Phòng, chống tác hại rượu bia vào ngày 14/06/2019 (số 44/2019/QH14). Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và lĩnh vực y tế liên quan đến rượu bia, cụ thể như sau:

- Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (Điều 5 -8):

+ Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn: phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng tùy thuộc nồng độ cồn đo được trong hơi thở, trong máu.

+ Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn: phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng tùy thuộc nồng độ cồn đo được trong hơi thở, trong máu.

+ Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn: phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng tùy thuộc nồng độ cồn đo được trong hơi thở, trong máu.

+ Đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn: phạt tiền từ 80.000 đồng đến 600.000 đồng tùy thuộc nồng độ cồn đo được trong hơi thở, trong máu.

- Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/09/2020 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (từ Điều 30 – 37):

+ Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.

+ Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với các hành vi:

·     Uống rượu, bia tại địa điểm không được phép; uống rượu, bia ngay trước, trong hoặc thời điểm nghỉ giữa giờ làm việc, học tập

·       Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia.

+ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng khi vi phạm các quy định về quảng cáo, khuyến mãi liên quan đến rượu bia

+ Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu người đứng đầu cơ quan, tổ chức không thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia tại địa điểm thuộc quyền quản lý, điều hành

+ Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi của người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải không thực hiện biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vận tải uống rượu, bia ngay trước và trong khi tham gia giao thông.

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi của cơ sở kinh doanh rượu, bia như:

·      Không cảnh báo khách hàng về việc không điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia;

·        Sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi;

·        Đưa thông tin về sản phẩm rượu, bia không chính xác.

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 15.000.000 đồng đồng đối với hành vi vi phạm các quy định về thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia như:

·       Không giáo dục, giám sát, nhắc nhở thành viên gia đình chưa đủ 18 tuổi không uống rượu, bia;

·     Thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia, ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe không chính xác.

+ Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tài trợ bằng sản phẩm rượu, bia.

Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia 2019 quy định địa điểm không uống rượu, bia như sau:

+ Cơ sở y tế.

+ Cơ sở giáo dục trong thời gian giảng dạy, học tập, làm việc.

+ Cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi.

+ Cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở giam giữ phạm nhân và cơ sở giam giữ khác.

+ Cơ sở bảo trợ xã hội.

+ Nơi làm việc của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian làm việc, trừ địa điểm được phép kinh doanh rượu, bia.

+ Các địa điểm công cộng không được uống rượu, bia bao gồm:

·     Công viên, trừ trường hợp nhà hàng trong phạm vi khuôn viên của công viên đã được cấp phép kinh doanh rượu, bia trước ngày Nghị định 24/2020/NĐ-CP có hiệu lực (24/02/2020).

·       Nhà chờ xe buýt.

·     Rạp chiếu phim, nhà hát, cơ sở văn hóa, thể thao trong thời gian tổ chức các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ và công năng sử dụng chính của các địa điểm này, trừ trường hợp tổ chức các lễ hội ẩm thực, văn hóa có sử dụng rượu, bia.

 Quỳnh Như