Kết quả đạt được

Liên kết website

Cảnh giác với bệnh Sởi
Ngày đăng: 11/02/2014   |  
        

 

Sởi là một bệnh truyền nhiễm, có khả năng lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành, chủ yếu qua đường hô hấp, do hít phải các chất tiết mũi họng văng ra khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện,…

Lứa tuổi dễ mắc bệnh Sởi nhất là trẻ em từ 2 đến 6 tuổi. Tuy nhiên, người lớn cũng có thể bị Sởi nếu chưa từng được tiêm chủng vaccine hoặc không tiêm đủ 2 mũi vaccine khi còn bé. Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ, nếu mắc bệnh Sởi thì nguy cơ dị dạng thai nhi rất cao. Do đó, phụ nữ mắc bệnh Sởi khi mang thai cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn, kiểm tra, theo dõi kịp thời.

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh Sởi, chủ yếu là điều trị nâng đỡ, do đó việc phát hiện và điều trị sớm để phòng biến chứng là rất quan trọng.

Bệnh Sởi có các triệu chứng thường gặp như sốt cao, ho, hắt hơi, phát ban đầu, cổ, thân mình rồi đến tay, chân. Sau khi mắc sởi, do sức đề kháng của cơ thể suy giảm nên bệnh nhân dễ bị biến chứng nếu không được điều trị kịp thời. Biến chứng có thể gây mù lòa, tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm não, dẫn đến tàn phế, tử vong, đặc biệt là với trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng, mắc HIV/AIDS hoặc các bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh.

1. Phòng bệnh:

- Chích ngừa Sởi: là biện pháp chủ động để ngừa bệnh Sởi, cần tiêm đủ mũi tiêm theo quy định. Đối với trẻ nhỏ thì chích mũi đầu tiên lúc 9 tháng tuổi và chích nhắc lại theo lịch.

- Rửa tay thường xuyên với xà phòng, đặc biệt trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn.

- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn giấy hoặc khăn vải để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp, sau đó hủy hoặc giặt sạch khăn.

- Vệ sinh nhà cửa hàng ngày bằng nước sạch và xà phòng hoặc nước sát khuẩn thông thường.

- Hạn chế đi vào vùng có dịch và tiếp xúc với người bệnh.

2. Phòng lây bệnh cho cộng đồng:

- Người bệnh cần nghỉ học, nghỉ làm và không đến nơi đông người cho đến ngày thứ 5 sau khi phát ban.

- Hạn chế tiếp xúc với phụ nữ có thai và những người chưa tiêm ngừa, người có nguy cơ nhiễm bệnh cao.

- Mang khẩu trang khi tiếp xúc với người xung quanh.

Lưu ý cho trẻ:

- Uống bổ sung Vitamin A để phòng ngừa khô mắt.

- Tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý. Thực hiện ăn chín, uống chín.

Hình: Ban sởi toàn thân

3. Chăm sóc trẻ nhiễm sởi đúng cách tại nhà:

- Khi phát hiện có trẻ mắc sởi, điều quan trọng cần chú ý là thực hiện việc cách ly trẻ bệnh với các trẻ lành. Người chăm sóc trẻ bệnh phải rửa tay sạch sẽ trước và sau mỗi lần tiếp xúc với trẻ bệnh, rồi mới được chăm sóc trẻ lành.

- Có thể điều trị tại nhà nếu dấu hiệu bệnh nhẹ, theo dõi nhiệt độ hàng ngày, nhỏ mắt/mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý 9‰ để tránh nhiễm khuẩn, chỉ dùng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ.

-Do bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao nên cần lưu ý tránh lây lan trong cộng đồng bằng cách giữ vệ sinh thân thể, vệ sinh nhà cửa và môi trường chung quanh, giữ gìn phòng ốc thông thoáng, sạch sẽ.

- Nâng cao sức đề kháng cho trẻ nhỏ bằng chế độ ăn với đầy đủ dưỡng chất cần thiết, đồng thời tăng cường lượng nước uống giàu vitamin, nhất là vitamin A để bảo vệ đôi mắt của trẻ mắc bệnh Sởi.

- Tránh quan niệm cho bệnh nhân kiêng tắm, kiêng gió sẽ làm cho bệnh thêm trầm trọng hơn (nhiễm trùng, lở loét,…).

4. Đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế khi có các dấu hiệu sau:

- Sốt cao, ho nhiều, tiêu chảy nặng.

- Ban sởi lặn hết mà vẫn còn sốt.

- Có dấu hiệu biến chứng: lơ mơ, co giật, thở mệt, chảy mủ tai, phân có máu.

 

 

Quỳnh Như.
(Tổng hợp)