Kết quả đạt được

Liên kết website

Tầm soát và hướng điều trị ung thư vú hiện nay
Ngày đăng: 18/10/2016   |  
        

 

Ung thư vú là ung thư thường gặp nhất ở nữ giới. Ung thư vú là một nhóm tế bào ác tính phát triển trong vú, bắt nguồn từ các tế bào ống của tuyến và có thể xâm lấn vào các mạch bạch huyết do di căn hạch hoặc lan tràn theo đường máu đến các vùng khác trong cơ thể gọi là di căn xa. Khi có di căn xa, có tiên lượng rất xấu nên cần phát hiện sớm để điều trị hiệu quả.

Tỷ lệ phụ nữ ung thư vú tăng nhưng tỷ lệ tử vong do ung thư vú giảm, nhờ áp dụng rộng rãi nhũ ảnh trong tầm soát và sự tiến bộ của các phương pháp điều trị hiệu quả theo kiểu phối hợp đa mô thức.

 

1. Các yếu tố gây ung thư vú

Các yếu tố nguy cơ ung thư vú không thể thay đổi được: giới tính nữ, tuổi tác, đột biến gene BRCA, tiền căn gia đình có ung thư vú, chủng tộc, độ đậm mô vú, bệnh lành tính của vú, chu kỳ kinh nguyệt (có kinh sớm, mãn kinh muộn), có xạ trị vào thành ngực trước đó.

Các yếu tố nguy cơ ung thư vú có thể thay đổi được: không sanh con, uống thuốc ngừa thai, dùng liệu pháp kích tố thay thế, không cho con bú, uống rượu, béo phì và ít vận động.

 Ngoài ra, các yếu tố khác được cho là gia tăng nguy cơ ung thư vú: ăn uống, thiếu vitamin, các hóa chất sử dụng trong môi trường, hút thuốc lá, làm việc ban đêm,…

Tất cả các phụ nữ nên tập trung vào sự thay đổi lối sống như kiểm soát cân nặng, tập thể dục thường xuyên, ăn uống lành mạnh (rau củ, cá, gia cầm và ít mỡ) và tránh uống nhiều rượu.

2. Tầm soát ung thư vú

Tầm soát ung thư vú rất quan trọng giúp phát hiện sớm ung thư vú còn khu trú, điều trị hiệu quả và giảm tỷ lệ tử vong.

Hội Ung thư lâm sàng Hoa Kỳ đưa ra các hướng dẫn:

-   Tự khám vú: bắt đầu từ năm 20 tuổi;

-   Khám lâm sàng tuyến vú: bắt đầu từ 20 – 30 tuổi, ít nhất 3 năm 1 lần;

-   Chụp nhũ ảnh:

     +   Bắt đầu từ 40 tuổi trở lên: chụp mỗi năm 1 lần;

     +   50 – 74 tuổi: chụp 2 năm 1 lần;

-   Riêng đối với phụ nữ có nguy cơ cao (có đột biến gene BRCA1,2; có người thân thế hệ bậc 1 bị ung thư vú; xạ trị thành ngực ở tuổi từ 10 – 30 tuổi) nên chụp MRI và nhũ ảnh mỗi năm.

3. Hướng điều trị theo giai đoạn

 

Giai đoạn 0

-   Carcinoma tiểu thùy tại chỗ (Lobular carcinoma in situ): Là sự phát triển bất thường mô trong tiểu thùy vú, thường không tiến triển thành carcinoma xâm lấn. Tổn thương này làm gia tăng nguy cơ ung thư vú xâm lấn khoảng 7%/10 năm. Không có chỉ định điều trị tại chỗ và toàn thân.

-   Carcinoma ống tại chỗ (Ductal carcinoma in situ): Có thể diễn tiến thành carcinoma xâm lấn. Liệu pháp bảo tồn là điều trị tiêu chuẩn (Phẫu thuật bảo tồn vú và xạ trị toàn thể vú). Đoạn nhũ được chỉ định khi bướu đa ổ hoặc lan rộng. Hạch nách hiếm bị di căn nên thường không nạo hạch.

Giai đoạn 1 và 2: carcinoma ống tuyến xâm lấn giai đoạn sớm

-   Phẫu trị:

     +   Phẫu trị bướu nguyên phát: đoạn nhũ nạo hạch là chỉ định kinh điển.

     +   Phẫu trị hạch vùng nách: cần đánh giá tình trạng hạch nách để quyết định xạ trị và điều trị hỗ trợ toàn thân. Nạo hạch nách có nhiều di chứng: đau, tê, phù hạch mạch cánh tay.

     +   Sinh thiết hạch lính gác được chỉ định cho các trường hợp hạch không sờ thấy trên lâm sàng. Nếu sinh thiết hạch lính gác âm tính trong lúc mổ thì không cần nạo hạch nách để tránh các di chứng của phẫu thuật.

-   Xạ trị: Xạ trị toàn thể vú sau cắt rộng bướu trong liệu pháp phẫu thuật bảo tồn.

-   Điều trị toàn thân:

Hầu hết các trường hợp ung thư vú giai đoạn sớm được điều trị hỗ trợ toàn thân. Các liệu pháp này gồm: hóa trị, nội tiết và liệu pháp nhắm trúng đích. Các liệu pháp này làm giảm tỷ lệ tái phát và sống còn đặc hiệu do ung thư nhất là các trường hợp có hạch nách di căn.

Giai đoạn 3: Tiến triển tại chỗ

Ung thư vú tiến triển tại chỗ gồm các bướu trên 5cm, di căn nhiều hạch vùng, xâm lấn thành ngực hoặc da, bướu không có khả năng phẫu thuật nhưng không di căn xa và ung thư vú dạng viêm. Hóa trị dẫn đầu sau đó phẫu trị và xạ trị là điều trị tiêu chuẩn.

Giai đoạn 4: di căn xa

Điều trị triệu chứng, nâng đỡ là chính yếu.

4. Sống còn và dự hậu

Dự hậu ung thư vú thay đổi thùy theo giai đoạn bệnh, loại mô độc, độ mô học, tình trạng di căn hạch và các dấu hiệu sinh học của bướu: ER, PR và Her-2/neu.

Ung thư vú có tỷ lệ sống còn cao hơn các ung thư khác.

Đông Hà
(Tổng hợp từ Trung tâm Truyền thông và Giáo dục Sức khỏe TP.HCM)