Kết quả đạt được

Liên kết website

Những điều cơ bản về Viêm gan siêu vi B
Ngày đăng: 15/08/2018   |  
        

 

1.    Viêm gan B

Viêm gan B (còn gọi là viêm gan siêu vi B) do Hepatitis B virus (viết tắt HBV) gây ra, là tình trạng sưng tấy hoặc hoại tử tế bào gan cấp hoặc mạn tính, có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng như xơ gan hoặc ung thư gan.

Theo thống kê năm 2007 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO – World Health Organization), trên thế giới có hơn 2 tỷ người bị mắc viêm gan B. Trong đó, có khoảng 350 triệu người mắc viêm gan B mạn, nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời, ¼ số bệnh nhân viêm gan B mạn sẽ tử vong do ung thư gan hoặc suy gan. 

 
Hình 1: Cấu trúc Hepatitis B virus

(Nguồn: Cẩm nang cho cán bộ y tế về Viêm gan B, Trung tâm Á Châu – Đại học Stanford, 2016)

2.    Nguy cơ mắc viêm gan B

Virus viêm gan B tồn tại trong máu và dịch thể, nên có thể lây từ mẹ sang con, qua đường máu và qua quan hệ tình dục. Trong đó, đường lây từ mẹ sang con là phổ biến nhất và là nguyên nhân gây ra bệnh viêm gan B mạn. Bất kỳ ai chưa có miễn dịch bảo vệ đều có thể mắc viêm gan B. Độ tuổi khi nhiễm virus viêm gan B là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc bệnh có chuyển thành viêm mạn hay không. Theo báo cáo năm 2008 của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ CDC, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mắc virus viêm gan B có nguy cơ tiến triển thành mắc viêm gan B mạn cao nhất chiếm tới 90%. Vì vậy, cần được tiêm phòng vaccine viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu sau sinh.

 
Hình 2: Biểu đồ thể hiện nguy cơ mắc viêm gan B theo độ tuổi

(Nguồn: Introduction of hepatitis B vaccine into childhood immunization services. Management guidelines, including information for health workers and parents [WHO/V&B/01.31]. Geneva, World Health Organization, 2001)

3. Xét nghiệm sàng lọc viêm gan B

Để chẩn đoán bệnh viêm gan B có thể tiến hành các xét nghiệm sàng lọc sau:

a.    HBsAg (còn gọi là kháng nguyên bề mặt): Là xét nghiệm để chẩn đoán bệnh viêm gan B.

b.    Anti-HBs (kháng thể chống lại HBV): Là xét nghiệm để kiểm tra xem cơ thể đã có miễn dịch hay chưa.

c.    Total anti-HBc (kháng thể kháng lõi của HBV): Là chỉ số kết hợp chung của IgG anti-HBc (xuất hiện ở thời gian viêm nhiễm viêm gan B mạn) và IgM anti-HBc (xuất hiện và giai đoạn cấp tính của viêm gan B). Đây là xét nghiệm để kiểm tra bệnh nhân đã từng mắc virus trước đây chưa.

d.    IgM anti-HBc: Là xét nghiệm để xác định tình trạng nhiễm virus viêm gan B. Tuy nhiên chỉ làm xét nghiệm này đối với bệnh nhân nghi ngờ mới nhiễm virus viêm gan B gần đây. 

 
Hình 3: Bảng tóm tắt ý nghĩa các xét nghiệm sàng lọc viêm gan B

4. Các loại vaccine phòng viêm gan B

- Vaccine đơn giá (chỉ phòng viêm gan B): có thể dùng ở dạng đơn liều hay đa liều tùy nhà sản xuất.

- Vaccine đa giá (đóng dạng phối hợp với các vaccine khác):

+ Vaccine 4 trong 1: viêm gan B đóng cùng vaccine DPT (bại liệt, uốn ván, ho gà).

+ Vaccine 5 trong 1: viêm gan B đóng cùng vaccine DPT (bại liệt, uốn ván, ho gà) và Hib (viêm màng não do vi khuẩn Hib), loại phổ biến trên thị trường là Quinvaxem.

+ Vaccine 6 trong 1: viêm gan B đóng cùng vaccine DPT (bại liệt, uốn ván, ho gà) và Hib (viêm màng não do vi khuẩn Hib) và IPV (bạch hầu).

5. Các loại thuốc điều trị viêm gan B

- Hiện nay trên thị trường có 8 loại thuốc điều trị viêm gan B mạn, chia làm 02 nhóm:

+ Thuốc ức chế sao chép virus (đường uống) bao gồm các loại sau: Adefovir dipivoxil (ADV), Lamivudine (LAM), Entecavir (ETV), Telbuvidine  (LdT), Tenofovir disoproxil fumarate (TDF), Tenofovir alafenamide (TAF). Các thuốc này ức chế sự nhân lên của virus viêm gan B.

+ Thuốc tiêm interferon bao gồm các loại sau: Interferon alfa-2b và Peg-intergeron alfa-2b. Thuốc có tác dụng kích thích hệ miễn dịch của cơ thể tiêu diệt các tế bào bị virus xâm nhập. Khuyến cáo không nên dùng thuốc này ở người già hoặc bệnh nhân xơ gan.

Tóm lại, việc loại trừ viêm gan B vẫn còn là một thách thức lớn. Do đó, việc tiêm ngừa vaccine phòng viêm gan B vẫn là chìa khóa quan trọng trong cuộc chiến chống lại bệnh viêm gan siêu vi B. Đối với bệnh nhân đã mắc bệnh viêm gan B mạn, việc điều trị bằng thuốc cần tuân thủ chặt chẽ theo phác đồ của bác sỹ để tránh tạo ra chủng virus kháng thuốc và phải điều trị lâu dài.

                                                                                                                                                    Trâm Lê

               (Tổng hợp từ Cẩm nang cho cán bộ y tế về Viêm gan B, Trung tâm Á Châu – Đại học Stanford, 2016)