Kết quả đạt được

Liên kết website

Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ngộ độc chì
Ngày đăng: 15/10/2012   |  
        
 Ngày 10/05/2012 Bộ Y tế ban hành Quyết định số 1548/QĐ-BYT về việc Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ngộ độc chì.


Qua các hoạt động thường nhật, con người có thể tiếp xúc với chì qua nhiều nguồn khác nhau, phổ biến nhất là chì còn tồn tại trong các loại sơn, đặc biệt là loại sơn cũ; thực phẩm (đồ hộp có chất hàn gắn hộp sử dụng chì, đồ nấu ăn bằng chì, các nguồn thực phẩm bị ô nhiễm từ môi trường do không được kiểm soát tốt) và các nguồn khác như vật dụng (đồ gốm, sứ thủ công có chì), pin có chì, lưới đánh cá buộc chì,…


Để chẩn đoán xác định ngộ độc chì, phải dựa trên xét nghiệm nồng độ chì trong máu cao hơn 10 µL/dL và tiền sử tiếp xúc với các nguồn có chì hoặc có triệu chứng gợi ý như sau:


-    Ngộ độc chì ở trẻ em được chia thành 3 mức độ: nặng, trung bình và nhẹ. Trẻ bị ngộ độc chì nặng thường có những biểu hiện về bệnh lý não, co giật, hôn mê, liệt dây thần kinh sọ, nôn kéo dài, thiếu máu, thiếu sắt, xét nghiệm nồng độ chì trong máu vượt mức 70 µL/dL; trung bình thì có biểu hiện tăng kích thích, ngủ lịm từng lúc, bỏ chơi, quấy khóc, nôn từng lúc, đau bụng, chán ăn, xét nghiệm nồng độ chì máu trong máu từ 45 – 70 µL/dL; nhẹ thì không có triệu chứng, nồng độ chì máu < 45 µL/dL.


-    Với người lớn, mức độ ngộ độc chì nặng khi xuất hiện trạng thái hôn mê, co giật, trạng thái mù mờ, sảng, rối loạn vận động khu trú, đau đầu, phù gai thị giác, dấu hiệu tăng áp lực nội sọ…; liệt ngoại biên thần kinh ngoại vi; đau cơn quặc bụng, nôn, bệnh lý thận; nồng độ chì trong máu trên 100 µL/dL.


Phụ nữ đang bị nhiễm độc chì thì không nên có thai, chỉ nên có thai khi nồng độ chì trong máu dưới 10 µL/dL. Mẹ bị nhiễm độc chì tốt nhất không cho con bú; cần xét nghiệm chì trong sữa, nếu chì trong sữa không đáng kể mới cho trẻ bú. Trẻ sơ sinh nhiễm độc chì từ mẹ cần được điều trị liệu pháp gắp chì theo hướng dẫn.


Nội dung văn bản cũng đưa ra từng phác đồ điều trị ngộ độc chì cho từng trường hợp, đồng thời khuyến cáo những biện pháp đề phòng ngộ độc chì, bao gồm tăng cường tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức của người dân, khi bị bệnh chỉ khám và điều trị ở các cơ quan có đăng ký và dùng thuốc lưu hành hợp pháp; loại bỏ các sản phẩm có nguy cơ lây nhiễm độc chì; giữ vệ sinh môi trường, đặc biệt ở nhà và trường học, thực hiện tốt vệ sinh cá nhân cho trẻ, cung cấp đủ dinh dưỡng và khoáng chất cần thiết cho trẻ; đảm bảo vệ sinh, an toàn lao động, phòng chống ngộ độc chì nghề nghiệp,…

 

 

 

Thái Hòa.

(Trích nguồn Bộ Y tế)