Kết quả đạt được

Liên kết website

Bộ Y tế ban hành “Hướng dẫn bảo quản vắc xin”
Ngày đăng: 14/08/2014   |  
        

 

Ngày 20/03/2014, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 12/2014/TT-BYT Hướng dẫn việc quản lý sử dụng vắc xin trong tiêm chủng với các điều khoản về điều kiện cơ sở y tế thực hiện tiêm chủng, các quy trình quản lý sử dụng vắc xin, cách tổ chức, giám sát cũng như các hồ sơ, thủ tục và thẩm quyền trong tiêm chủng. Ngày 16/5/2014, Bộ Y tế tiếp tục ban hành Quyết định số 1730/QĐ-BYT về việc Ban hành “Hướng dẫn bảo quản vắc xin” nhằm đưa ra những hướng dẫn cụ thể và chi tiết về công tác bảo quản vắc xin, có hiệu lực từ ngày 01/6/2014. Theo đó, Sở Y tế TP.HCM cũng đã có Công văn 4101/SYT-QLD ngày 21/7/2014 về việc Triển khai quyết định số 1730/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn bảo quản vắc xin”. Hướng dẫn đã đưa ra các nội dung chính sau:

1. Quy định chung: các loại vắc xin cần áp dụng, nhiệt độ bảo quản vắc xin, cách bảo quản và sử dụng dung môi dùng trong pha hồi chỉnh một số vắc xin dạng đông khô.

2. Bảo quản vắc xin trong dây chuyền lạnh:

   - Nguyên tắc chung:

+ Sắp xếp vắc xin và dung môi: theo loại, theo lô, hạn sử dụng (để thuận tiện cho việc cấp phát) và đúng vị trí để tránh làm đông băng vắc xin, hạn chế việc lưu thông khí lạnh giữa các hộp

+ Sử dụng Vắc xin theo nguyên tắc: hạn ngắn phải được sử dụng trước, tiếp nhận trước phải sử dụng trước và/hoặc theo tình trạng của chỉ thị nhiệt độ lọ vắc xin (VVM), lọ vắc xin còn nguyên lọ được mang về từ buổi tiêm chủng có tiếp xúc với nhiệt độ cao được ưu tiên sử dụng trong buổi tiêm chủng lần sau

+ Không mở thiết bị dây chuyền lạnh thường xuyên, luôn theo dõi nhiệt độ của buồng lạnh, tủ lạnh (tối thiểu 02 lần/ngày kể cả ngày lễ, ngày nghỉ) và ghi vào bảng theo dõi nhiệt độ.

+ Không bảo quản vắc xin đã hết hạn sử dụng, lọ vắc xin đã pha hồi chỉnh sau buổi tiêm chủng và vắc xin có gắn chỉ thị nhiệt độ đã đổi màu báo cần hủy trong dây chuyền lạnh.

+ Dây chuyền lạnh sử dụng bảo quản vắc xin chỉ được sử dụng cho vắc xin, không để thuốc, hóa chất, bệnh phẩm, thực phẩm và đồ uống.

+ Đảm bảo vệ sinh: rửa tay sạch trước khi cầm hộp, lọ vắc xin.

   - Tùy theo trường hợp mà cách bảo quản vắc xin có những hướng dẫn phù hợp như: bảo quản vắc xin trong buồng lạnh, trong tủ lạnh cửa mở phía trên, trong tủ lạnh cửa mở phía trước, trong hòm lạnh và phích vắc xin, trong buổi tiêm chủng; cách đọc chỉ thị nhiệt độ lọ vắc xin (VVM), chỉ thị đông băng điện tử, nghiệm pháp lắc.

3. Bảo dưỡng thiết bị, giám sát việc bảo quản vắc xin trong dây chuyền lạnh:

   - Thiết bị lạnh phải được bảo dưỡng, vệ sinh sạch sẽ. Xả băng thường xuyên đối với buồng lạnh, tủ lạnh. Phích vắc xin và hòm lạnh phải được lau khô sau khi sử dụng.

   - Các thiết bị phải được kiểm tra, theo dõi định kỳ tình trạng hoạt động và có kế hoạch sửa chữa hoặc thay thế phù hợp bảo đảm việc vắc xin được lưu giữ an toàn trong quá trình bảo quản, vận chuyển cũng như sử dụng.

   - Phân công cán bộ hỗ trợ, giám sát việc bảo quản vắc xin.        

   - Xây dựng kế hoạch dự phòng khẩn cấp (tủ hỏng, cháy nổ, lũ lụt, mất điện), ghi rõ các phương án thực hiện, tên và số điện thoại cán bộ có trách nhiệm. Bản kế hoạch này phải được lãnh đạo phê duyệt, phổ biến và được dán ở nơi dễ thấy, dễ đọc.

4. Ghi chép, báo cáo: Thực hiện theo Thông tư số 12/2014/TT-BYT ngày 20/3/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn việc sử dụng vắc xin trong tiêm chủng.

 

Khoa Thông tin Đào tạo.