Kết quả đạt được

Liên kết website

Hiểm họa từ tình trạng kháng kháng sinh ở Việt Nam
Ngày đăng: 05/01/2016   |  
        

 

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): Kháng kháng sinh (Antimicrobial resistance - AMR) là khả năng kháng lại của một vi sinh vật đối với một loại thuốc kháng vi sinh vật mà loại thuốc này ban đầu có hiệu quả trong điều trị bệnh nhiễm khuẩn do vi sinh vật đó gây ra.

Kháng kháng sinh gây ra các nguy cơ:

  -   Không khỏi được bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn đã kháng kháng sinh.

  -  Tác dụng không mong muốn và gánh nặng kinh tế khi sử dụng các loại kháng sinh mới, sử dụng kết hợp nhiều loại kháng sinh khác nhau hoặc tăng liều dùng để đạt được hiệu quả điều trị.

Kháng thuốc không phải là vấn đề mới, nhưng đã trở nên cấp bách, đòi hỏi phải có sự nỗ lực cả từ hệ thống y tế và cộng đồng để thế hệ tương lai không phải đối mặt với nguy cơ không có thuốc để điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm.

Nguyên nhân của tình trạng kháng kháng sinh là do việc sử dụng kháng sinh tùy tiện, không theo chỉ dẫn của bác sỹ, người dân tự ý mua kháng sinh ở các hiệu thuốc. Bên cạnh đó việc lạm dụng kháng sinh trong ngành chăn nuôi và thủy sản để điều trị, phòng chống dịch bệnh đã tạo điều kiện cho nhiều loại vi sinh vật trở thành kháng thuốc và dư lượng kháng sinh cũng đi vào cơ thể người, tính lũy qua thời gian, góp phần gây nên tình trạng kháng kháng sinh.

 

Hình 1: Nguyên nhân và sự lan truyền của tình trạng kháng thuốc kháng sinh

Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, ngành y tế đã có những  giải pháp hệ thống như hoàn thiện các văn bản pháp quy, các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về kiểm soát bệnh truyền nhiễm, kiểm soát nhiễm khuẩn; tăng cường sử dụng thuốc hợp lý; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động nhà thuốc, giám sát chất lượng thuốc và việc tuân thủ các quy định chuyên môn nghiệp vụ, các hướng dẫn điều trị;…

Về phía cộng đồng, cần nâng cao nhận thức trong việc sử dụng kháng sinh:

  -   Từ bỏ thói quen “tự chữa trị” khi mắc bệnh. Không “bắt chước” đơn thuốc từ người khác hoặc từ những lần điều trị trước đó;

  -   Tuân thủ chỉ định của bác sĩ trong việc dùng kháng sinh đúng liều, đúng thời điểm, đúng thời gian điều trị và tái khám đúng hẹn;

  -   Cần ghi nhớ: kháng sinh không dùng để điều trị các bệnh do virus gây ra như cảm, cúm;

  -   Đăng ký tiêm chủng các loại vaccin cần thiết. Rèn luyện sức khỏe, giữ vệ sinh cá nhân để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

  

Hình 2: Thông điệp truyền thông phòng chống kháng thuốc của WHO


Minh Vũ
(Tổng hợp từ http://kcb.vn/category/khang-thuoc)