Kết quả đạt được

Liên kết website

Bệnh dại và những điều cần biết
Ngày đăng: 02/04/2024   |  
        

 

Bệnh dại là gì?

Bệnh dại là bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thống thần kinh Trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thường là nước bọt bị nhiễm virus dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại (chó, mèo, dơi, chuột, thỏ, gấu trúc, chồn, cáo, chó sói …).

Virus dại tên khoa học Rabies lyssavirus, có hình viên đạn (một đầu tròn, một đầu dẹt), chiều dài trung bình 100-300 nm, đường kính 70-80 nm, có một vỏ ngoài mang các gai ngưng kết hồng cầu, bản chất là glycoprotein, nucleocapsid đối xứng hình xoắn ốc, chứa ARN 1 sợi.

 

Hình 1. Cấu trúc virus dại (http://thelancet.com)

Virus dại bị bất hoạt ở nhiệt độ 56oC trong vòng 30 phút, ở 60oC trong 5-10 phút và ở 70oC trong 2 phút; bị mất độc lực dưới ánh sáng và các chất sát khuẩn ở nồng độ 2-5%. Trong điều kiện lạnh 4oC, virus sống được từ vài tuần đến 12 tháng, ở nhiệt độ dưới 00C sống được từ 3-4 năm. Virus dại được bảo tồn chủ yếu trong cơ thể vật chủ, có 2 chủng virus dại:

+    Virus dại đường phố là virus dại tồn tại trên động vật bị bệnh;

+   Virus dại cố định (cố định thời gian ủ bệnh trên thỏ). Đây là chủng có khả năng gây bệnh yếu và được Louis Pasteur nghiên cứu và ứng dụng làm vaccine dại đầu tiên vào năm 1882.

  Bệnh dại lây truyền như thế nào?

Virus dại được lây truyền từ nước bọt của động vật mắc bệnh (người bị bệnh) theo vết cắn, vết liếm, vết xước trên da bị rách (hoặc qua màng niêm mạc còn nguyên vẹn) vào cơ thể. Ngoài ra, virus có thể lây truyền từ người sang người thông qua việc cấy ghép giác mạc hoặc các nội tạng khác (hiếm gặp).

Tại vết cắn, virus dại phát triển từ lớp trong cùng của mô dưới da hoặc từ cơ bắp di chuyển dọc theo các dây thần kinh ngoại biên tới thần kinh trung ương (tủy sống và não bộ) với tốc độ ước tính khoảng 12-24 mm/ngày. Tại đây, virus sinh sản rất nhanh và tiếp tục theo dây thần kinh ra tuyến nước bọt. Sau đó, virus hủy hoại các tế bào thần kinh ở vùng sừng Amon (hồi hải mã - hippocampus) và hành tủy làm xuất hiện các triệu chứng lâm sàng điển hình của bệnh dại.

 

Hình 2. Quá trình virus dại xâm nhập vào cơ thể con người (http://hcdc.vn)

Biểu hiện lâm sàng

Bệnh dại ở người bao gồm các giai đoạn như sau:

-     Giai đoạn ủ bệnh: trung bình từ 20-60 ngày, nhưng có thể kéo dài từ 04 ngày đến nhiều năm. Thời kỳ ủ bệnh phụ thuộc vào các yếu tố gồm số lượng virus xâm nhập cơ thể; mức độ nặng, nhẹ của vết thương; khoảng cách từ vết thương đến não bộ. Nếu vết thương nặng, gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh ngắn.

-     Giai đoạn khởi phát: từ 2-10 ngày, với các biểu hiện như cảm giác sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu, cảm giác tê và đau tại vết thương nơi virus xâm nhập.

-     Giai đoạn toàn phát (giai đoạn viêm não): thường kéo dài 2-6 ngày hoặc kéo dài hơn và gây tử vong do liệt cơ hô hấp. Giai đoạn này, bệnh thường tiến triển theo hai thể:

+   Thể điên cuồng: phổ biến nhất chiếm 80%, biểu hiện mất ngủ, co giật, tăng cảm giác kích thích (sợ ánh sáng, tiếng động và gió nhẹ). Ngoài ra, còn có rối loạn hệ thần kinh thực vật như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp, đôi khi có biểu hiện xuất tinh tự nhiên ở nam giới.

+   Thể liệt: chiếm 20%, xuất hiện triệu chứng liệt từ tay, chân (vị trí vết cắn) lan dần đến các cơ, gây liệt cơ hô hấp, rối loạn tiểu tiện, đại tiện cuối cùng gây liệt hành tủy và tử vong. Thể liệt thường sống lâu hơn thể điên cuồng vài ngày.

 

Hình 3. Biểu hiện lâm sàng bệnh dại ở người

 

Hình 4. Cách xử trí khi bị chó, mèo cắn

Trâm Lê

 (Tham khảo Cục Y tế Dự phòng – Bộ Y tế) 

Tập tin Tiếng Việt:

Các tin khác