Kết quả đạt được

Liên kết website

Bia, rượu – Một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo hành trong gia đình
Ngày đăng: 25/04/2024   |  
        

 

Ngày 14/6/2019 Quốc Hội thông qua và ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và có hiệu lực từ ngày 01/01/2020. Luật có quy định biện pháp điều kiện bảo đảm cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Rượu bia là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ án bạo hành gây ra bởi những đối tượng nghiện rượu, bia. Theo thống kê của Bộ Y tế, hằng năm có khoảng 800 ca tử vong do bạo hành có liên quan đến sử dụng rượu, bia; khoảng gần 30% số vụ gây rối trật tự xã hội có liên quan đến sử dụng rượu, bia: tỷ lệ trẻ em Việt Nam chịu tác hại từ việc sử dụng rượu, bia của người khác thuộc nhóm hai nước cao nhất, khoảng gần 30% số vụ gây rối trật tự xã hội, 33,7% các vụ bạo hành gia đình có nguyên nhân xuất phát từ việc sử dụng rượu, bia.

Rượu, bia bản chất là ethanol (cồn) – một chất gây tăng ức chế quá trình oxy hóa axit béo và quá trình tổng hợp glucose, thúc đẩy sự tích tụ chất béo trong gan. Rượu sau khi uống, được hấp thu vào cơ thể qua hệ tiêu hoá. Sự hấp thu của rượu phần lớn xảy ra ở tá tràng và đoạn hỗng tràng của ruột non. Thời gian hấp thu của rượu phụ thuộc vào tình trạng thức ăn có trong dạ dày. Nếu dạ dày đầy thức ăn thì rượu được hấp thu chậm do thức ăn mất nhiều thời gian nằm trong dạ dày hơn so với khi dạ dày rỗng. Tương tự, các thức ăn chứa nhiều mỡ sẽ làm rượu chậm hấp thu hơn so với các thức ăn chứa nhiều chất bột. Người uống rượu, bia thường xuyên và kéo dài dễ bị rối loạn cảm xúc, có tư tưởng chống đối, rối loạn lo âu, dẫn đến hành động dễ bị trầm cảm. Đây là một trong những lí do gây ra bạo hành.

Ngoài ra, người nghiện rượu duy trì nồng độ cồn trong máu bằng 50mg/100ml thì có tác dụng an thần, rượu gây ức chế hình thành quá trình hưng phấn giả trong não bộ khi nồng độ cồn trong máu từ 51-150mg/100ml máu gây rối loạn tư duy, tri giác, vận động; nồng độ cồn trong máu từ 150-200mg/100ml thì cơ thể bắt đầu bị ngộ độc rượu cấp, từ 300-400mg/100ml gây hôn mê, và khi nồng độ cồn máu trên 400mg/100ml thì có thể gây tử vong. Người nghiện rượu thường cảm thấy lo âu, hăng hái, nói nhiều, hoạt động nhiều nhưng thiếu chính xác, lời nói không được kiềm chế, hay khoe khoang, tự cao tự đại hoặc xúc phạm người khác.

Đây là trường hợp hay gặp nhất trong các gia đình có người nghiện rượu, bia hoặc cá nhân khi dùng rượu, bia. Đối tượng chịu hệ quả do người nghiện rượu, bia để lại là những người phụ thuộc kinh tế, phụ nữ và trẻ em. Khi bị bạo hành gia đình liên quan đến rượu bia kéo dài sẽ ảnh hưởng xấu thể chất, tinh thần của các thành viên khác và kinh tế gia đình. Quan trọng hơn, nó ảnh hưởng trực tiếp đến hạnh phúc gia đình, dẫn đến việc vợ chồng ly thân hoặc ly hôn, hoặc làm gia tăng tỷ lệ tội phạm vị thành niên, ảnh hưởng trật tự xã hội. Trẻ em, thanh thiếu niên sống cùng người thân nghiện rượu dễ hình thành tâm lý lo lắng, sợ hãi, tăng nguy cơ rối loạn lo âu, trầm cảm, hình thành bản tính hung hăng, bạo hành, chống đối hoặc phát triển thành hành vi bạo hành tương tự. Từ đó, thúc đẩy hành động sai trái như trốn học, bạo hành học đường, chấp nhận bị bạo hành trong tương lai, sống tách biệt, tự tạo cho mình một vỏ bọc để lẩn trốn khỏi mọi người xung quanh, liên tục rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, sợ hãi và gây thiệt hại kinh tế gia đình, gánh nặng cho xã hội.

 

(Nguồn: trang thông tin điện tử Pháp luật Tây Ninh)

Gia đình là tế bào của xã hội, các thành viên trong gia đình sống bình đẳng, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau và không có bạo hành là nền tảng tiến tới một xã hội phát triển bền vững, nhiều gia đình tốt thì sẽ có xã hội tốt. Việc phòng chống bạo hành gia đình do tác hại của rượu, bia là trách nhiệm chung của mọi gia đình và toàn xã hội, của chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ của các đoàn thể nhân dân, mà điều tiên quyết là phải nâng cao dân trí, tích cực tuyên truyền đi đôi với việc thực hiện bình đẳng giới, thi hành luật và các chế tài nghiêm minh. Để góp phần ngăn chặn bạo hành gia đình do rượu, bia mang lại cần phải tuyên truyền sâu rộng về luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Đồng thời xây dựng mô hình phòng chống bạo hành gia đình, làm cho mỗi gia đình hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình để xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bền vững.

Trung tâm Kiểm chuẩn Xét nghiệm Thành phố chung tay Phòng, chống và tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Đồng thời, động viên cán bộ, viên chức, người lao động tại Trung tâm tham gia cuộc vận động “Đã uống – Không lái” của Sở Y tế TP.HCM tổ chức, tuân thủ và thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

 PHÒNG TỔ CHỨC HÀNH CHÍNH (Tổng hợp)

  

Tập tin Tiếng Việt:

Các tin khác