Kết quả đạt được

Liên kết website

Những điều cần biết về bệnh đa u tủy xương
Ngày đăng: 30/07/2016   |  
        

 

BỆNH ĐA U TỦY XƯƠNG LÀ GÌ?

Đa u tuỷ xương (ĐUTX) là một bệnh tăng sinh ác tính tương bào (Plasma cells) - một thành phần của bạch cầu trong máu - tập trung chủ yếu trong tuỷ xương, gây tình trạng hủy xương tại chỗ, hình thành đa u tủy xương. Đa u tuỷ xương chiếm khoảng 8% các bệnh lý ác tính của hệ tạo huyết.

Ở các mức độ biệt hoá khác nhau của tương bào sẽ gây ra u có tính chất khu trú hoặc thâm nhiễm lan tỏa, chủ yếu vào tủy xương. Các tương bào ác tính trong tuỷ xương khi tăng sinh sẽ tiết ra các globulin miễn dịch (Ig) bất thường. Các Ig này tham gia vào quá trình sinh bệnh học của bệnh, gây ra rối loạn bệnh lý ở nhiều cơ quan như thận, hệ thần kinh, hệ miễn dịch,…

Nguyên nhân gây bệnh cho đến nay vẫn chưa được các nhà khoa học làm rõ nhưng các nghiên cứu về dịch tễ học đều cho thấy:

-        Tuổi mắc bệnh thường từ 40-70 tuổi;

-        Tỷ lệ mắc bệnh nam cao hơn nữ với tỷ lệ 1,4/1;

-        Tiếp xúc với liều thấp phóng xạ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

NGUỒN GỐC PHÁT TRIỂN VÀ SỰ ÁC TÍNH HOÁ CỦA TƯƠNG BÀO

Tương bào là dạng tế bào trưởng thành nhất của lympho dòng B. Tế bào lympho B có nguồn gốc từ tế bào gốc vạn năng tại tuỷ xương trải qua các giai đoạn biệt hoá từ tiền lympho B, lympho B chín, lympho B trưởng thành và cuối cùng biệt hoá thành tương bào có khả năng sản xuất ra các Ig.

Quá trình tăng sinh và biệt hoá thành tương bào của lympho B được kích thích bởi các kháng nguyên. Tế bào ung thư trong ĐUTX là tế bào kém biệt hoá, những tế bào này có chứa những thụ thể (receptors) với interleukin 6 (IL-6), khi kết hợp với IL-6 tạo thành yếu tố thuận lợi cho sự phát triển và làm kéo dài đời sống của tế bào ung thư. Những tế bào ác tính này có mối liên quan chặt chẽ với tổ chức đệm tuỷ xương, thông qua tương tác với các phân tử dính, tiết ra các cytokine để hỗ trợ cho sự tồn tại và phát triển của tương bào ác tính. Sự tăng sinh ác tính tương bào trong tuỷ xương gây lấn át các dòng tế bào sinh máu bình thường, phá huỷ xương gây tăng calcium, acid uric máu và gây ra những rối loạn do tăng tiết Ig bệnh lý.

Do nguồn gốc và chức năng nên tương bào có mặt ở hầu hết các cơ quan trong cơ thể, vì vậy khi tăng sinh ác tính, tương bào nó có thể biểu hiện triệu chứng ở nhiều bộ phận khác nhau.

 

Hình 1: Tương bào bình thường và tương bào ung thư

BIỂU HIỆN VÀ DI CHỨNG CỦA BỆNH ĐA U TỦY XƯƠNG

Biểu hiện của bệnh đa u tuỷ xương khá đa dạng. Các biểu hiện gợi ý chẩn đoán bệnh bao gồm: tổn thương tiêu xương, thiếu máu, tăng urea huyết, tăng calcium huyết và nhiễm khuẩn tái phát. Khoảng 30% các bệnh nhân không có biểu hiện triệu chứng và được phát hiện tình cờ. Khi bệnh phát triển nhiều, các triệu chứng đầy đủ gồm có: 

Bệnh lý xương: Đau xương, đặc biệt chèn ép tuỷ hoặc gãy xương sườn là các triệu chứng thường gặp nhất. Tại thời điểm chẩn đoán, 70% bệnh nhân có biểu hiện tiêu xương do tăng quá trình huỷ xương. Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình này bao gồm các yếu tố như: Interleukin 1B, yếu tố hoại tử u (Tumor Necrosis Factor Alpha  - TNF-a), IL-6, các cytokine kích thích giải phóng TNF,…

 

Hình 2: Hình ảnh Xquang cẳng xương tay với nhiều ổ hủy xương do bệnh đa u tủy xương

-        Dấu hiệu lâm sàng:

·         Đau xương (90% trường hợp): vị trí thường gặp là ở vùng cột sống, chậu hông, lồng ngực, đau tăng khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi, về sau đau liên tục do ép rễ thần kinh;

·         Gãy xương tự nhiên (50% trường hợp): có thể thấy được trên lâm sàng, nhưng thường phát hiện qua chụp X quang: gãy xương sườn, xương ức, đòn; lún và di lệch cột sống gây gù vẹo;

·         Nổi u xương: chỉ có 10% bệnh nhân có dấu hiệu này, u mềm không đau, nổi trên nền xương, kích thước từ 0,5 đến vài centimet; thường thấy ở các vị trí như xương sọ, xương đòn, xương ức, xương bả vai, cột sống và ít thấy ở các xương tay chân.

-          Dấu hiệu X quang:

·         Tiêu xương hình hốc, hang: trên xương (sọ, sườn, chậu, cột sống,…) thấy các hình hốc tròn hay bầu dục, ranh giới rõ, kích thước từ vài milimet đến vài centimet, trông như rỗng vì không còn cấu trúc bên trong, số lượng hốc có thể ít hoặc nhiều. Ở sọ, hình ảnh các hốc được gọi là sọ bị đục lỗ hay đạn bắn;

·         Tiêu xương một đoạn hay một phần ở xương dài;

·         Khi các hốc xương nhỏ và dày đặc tạo nên hình ảnh loãng xương lan tỏa, xương tăng thấu quang như thủy tinh, thường hay nhầm với loãng xương do các nguyên nhân khác. Tình trạng loãng xương này được gọi là thể bệnh của Lièvre và Weissenbach;

·         Hình ảnh thân đốt sống biến dạng (dẹt, hình lưỡi) và lún, có thể di lệch gây nên gù vẹo;

·         Ngoài chụp X quang thông thường, người ta còn sử dụng phương pháp chụp phóng xạ nhấp nháy, chụp cắt lớp vi tính (CT Scanner), chụp cộng hưởng từ hạt nhân,… để phát hiện các tổn thương sớm và chi tiết.

Những biểu hiện ở ngoài xương

-        Toàn thân: gầy sút, mệt mỏi, chán ăn, da niêm mạc xanh, sốt dai dẳng kéo dài;

-        Thận: tổn thương thận gặp trong 70% trường hợp. Có protein niệu, thường là protein nhiệt tan (Bence Jones), đông vón ở nhiệt độ 56oC và tan khi sôi. Các tổn thương thận thường bao gồm:

·        Suy thận mạn tính: Sự lắng đọng protein Bence Jones ở ống lượn xa là nguyên nhân chủ yếu gây suy thận, ngoài ra các yếu tố như tăng calcium huyết, mất nước, tăng urea huyết hoặc ít gặp hơn như thoái hoá dạng tinh bột, bệnh lắng đọng chuỗi nhẹ, sử dụng thuốc giảm đau không steroid cũng góp phần gây suy thận;

·        Vô niệu: xuất hiện đột ngột do lượng globuline tăng nhiều và nhanh trong máu gây bít tắc các ống thận.

-          Máu: Bệnh gây thiếu máu, hội chứng xuất huyết do giảm tiểu cầu xuất hiện ở 60% bệnh nhân. Nguyên nhân thường do sự xâm lấn u vào tuỷ xương làm giảm quá trình tạo hồng cầu, ngoài ra sự giảm erythropoietin ở những bệnh nhân có hoặc không có suy thận cũng làm cho thiếu máu nặng lên;

-          Thần kinh: do các khối u chèn ép trực tiếp hay do các globuline miễn dịch gây tổn thương như ép tủy và rễ thần kinh, tổn thương các dây thần kinh sọ não, viêm đa dây thần kinh, tăng áp lực nội sọ, tổn thương đáy mắt;

-          Cơn tăng calcium máu: xuất hiện với các biểu hiện lâm sàng nặng. Khoảng 20% bệnh nhân có tăng calcium huyết thứ phát do tăng quá trình huỷ xương và do sự bất động kéo dài. Các triệu chứng gợi ý tăng calcium huyết ở bệnh nhân đa u tuỷ xương, đặc biệt ở những bệnh nhân có khối u lớn, như buồn nôn, mệt mỏi, lú lẫn, đa niệu hoặc táo bón;

-           Nhiễm khuẩn bội nhiễm: Các bệnh nhân đa u tuỷ xương có thể có nhiễm khuẩn nặng. Trước đây, các nguyên nhân nhiễm khuẩn thường gặp là do vi khuẩn Gram (+) như Streptococcus pneumoniae, Staphylococcus aureus Haemophilus influenzae,… Gần đây, người ta còn phát hiện nguyên nhân gây ĐUTX do nhiễm khuẩn Gram (-) và tác nhân này ngày càng trở nên phổ biến. Ngoài ra, sự suy giảm sức đề kháng của người bệnh cũng là những yếu tố góp phần nhiễm khuẩn như giảm globulin gamma, giảm bạch cầu hạt,…

-          Các biểu hiện khác:

·      Gan, lách, hạch to;

·      Rối loạn tiêu hóa;

·      Một số cơ quan phình to bất thường (tinh hoàn, buồng trứng, tuyến nước bọt);

·      Thâm nhiễm mờ ở phổi (do plasmocyte);

·      Nhiễm amyloid ở một số bộ phận (thứ phát).

ĐIỀU TRỊ

Ngoài 3 phương pháp điều trị thông thường: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị; bác sĩ có thể áp dụng một hay kết hợp nhiều phương pháp khác cho một bệnh nhân như sau:

-       Corticoide: Là các loại thuốc được biết tới với tác dụng kháng viêm. Nhưng trong bệnh này, thuốc sẽ ngăn cản sự sinh sản của tương bào.

-       Hoá trị liều cao và ghép tế bào máu gốc tự thân: Ghép tế bào máu gốc tự thân là phương pháp tránh tác dụng phụ suy tuỷ của hoá trị, nhờ vậy liều thuốc hoá trị sẽ được nâng cao giúp diệt được nhiều tế bào ung thư hơn.

-       Điều trị sinh học (biologic therapy): Phương pháp sử dụng các thuốc kích thích hệ miễn dịch để chống lại ung thư. Gồm các thuốc như thalidomide, lenalidomide, interferon,…

-       Điều trị đúng mục tiêu (targeted therapy): Các loại thuốc này tập trung vào những mục tiêu chỉ có ở tế bào ung thư, do đó không làm hại đến các tế bào bình thường. Các thuốc ức chế mục tiêu phân tử mang tên proteasome, một phức hợp protein có chức năng tiêu hủy protein sai lệch hoặc không cần thiết. Con đường thoái hóa protein này của tế bào ung thư khi bị cản trở sẽ khiến chúng không thể tiếp tục chu trình tế bào, ngăn cản được việc tăng sinh của tương bào ác tính và làm chúng chết đi. Đây là phương pháp điều trị rất mới và có triển vọng cho những bệnh nhân đa u tủy xương.

Song song với quá trình điều trị, bệnh vẫn luôn có nguy cơ tái phát trở lại nên việc theo dõi trong và sau khi điều trị là rất quan trọng. Do đó, người bệnh cần được kiểm tra thường xuyên để phát hiện sớm các dấu hiệu tái phát bệnh bằng các phương pháp như: khám lâm sàng, xét nghiệm máu, tủy đồ và chụp Xquang,…

Vân  Anh

(Theo Đề tài nghiên cứu phân loại, giai đoạn bệnh đa u tủy xương tại Khoa bệnh máu – Bệnh viện Bạch mai)